Bạo lực học đường là một trong những rào cản mà bố mẹ và bé gặp phải khi con đến tuổi đi học. Đặc biệt, việc trẻ bị bạn đánh ở trường ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Vậy làm thế nào để cùng con đối diện tốt với vấn đề này? Các bậc phụ huynh cùng tham khảo 5 cách dạy con của người Nhật khi bị bạn đánh rất đáng ngưỡng mộ qua bài viết dưới đây.
1. Khi bị bạn đánh, người Nhật dạy trẻ không đánh lại mà tìm nơi an toàn
Đây không chỉ là cách hành xử được ưu tiên hàng đầu của các cha mẹ Nhật khi con bị bạn đánh mà còn là lời khuyên từ cô Rinko Torii, nhà tư vấn giáo dục giàu kinh nghiệm về vấn đề bạo lực học đường.

Bị bạn đánh là một việc gây nguy hại đến cơ thể và tinh thần của trẻ. Cách tốt nhất trẻ cần giải quyết ngay là tìm cho mình một nơi an toàn để thoát nạn. Bởi bạn bè đánh trẻ không thể kiểm soát tốt được cảm xúc gây hấn, giận dữ ngay tại lúc đó nếu con tiếp tục chịu trận.
Theo phụ huynh người Nhật, nơi an toàn cho trẻ là những nơi đông người (có nhiều bạn bè, thầy cô), phòng giáo viên, phòng y tế…
Một số ba mẹ có thể cho rằng việc chạy trốn thể hiện sự yếu đuối của trẻ. Nhưng người Nhật dạy con nói KHÔNG với việc đánh lại bạn. Thay vào đó, họ muốn con ghi nhớ việc ưu tiên bảo vệ sự an toàn cho bản thân mình lên hàng đầu.
2. Lắng nghe con nói là điều cha mẹ Nhật ưu tiên
Bị bạn đánh là một trải nghiệm cảm xúc rất tệ ở hầu hết những đứa trẻ. Ngay lúc này, trẻ rất cần sự lắng nghe của bố mẹ về những điều đã xảy ra với mình để cảm thấy được an toàn. Đây là hành động của nhiều bậc cha mẹ thông thái để nuôi dưỡng lòng tự trọng ở trẻ.
Cô Rinko Torii chia sẻ rằng cũng có nhiều phụ huynh khi thấy con bị đánh thì không kiềm chế sự tức giận của mình nên đã la mắng hoặc đổ lỗi cho trẻ. Chẳng hạn như “Nếu con không làm gì thì sao bạn đánh con được?”...
Điều này là không nên bởi chỉ có trẻ mới biết chính xác việc gì đã xảy ra. Việc chỉ trích dễ khiến trẻ thu mình lại và không thể tin tưởng ở người thân của mình để yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết. Đôi lúc con cũng sẽ chịu đựng sự lo lắng và sợ hãi một mình.

Cha mẹ Nhật rất nhẹ nhàng với con trong vấn đề này. Họ kiên nhẫn lắng nghe con nói. Họ cảm ơn trẻ vì đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện này với bố mẹ. Người Nhật vẫn sẵn lòng đồng ý cho trẻ nghỉ phép nếu con họ thật sự cần thời gian bình tĩnh sau mọi chuyện.
3. Người Nhật không đề cao việc chỉ trích thủ phạm hoặc đòi công lý
Khi con bị bạn đánh, phụ huynh sẽ rất xót xa và cảm thấy bất công cho con mình. Do vậy, họ có xu hướng chỉ trích trẻ đã đánh con, hoặc thậm chí có ý muốn kiện tụng và đòi trả thù.
Riêng với quan niệm của người Nhật, họ cho rằng việc con bị bắt nạt là trải nghiệm xấu nhưng cũng là cơ hội để dạy con biết cách bảo vệ bản thân mình hơn, giúp con vượt qua thử thách và trưởng thành. Ngoài con ra, bố mẹ Nhật không chú ý đến một ai khác.

Việc quan tâm đến con của người Nhật bao gồm việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân của vấn đề. Từ đó, họ dạy dỗ con cách hành xử khác đi trong tình huống đó để không bị bạn đánh. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn mà ít bố mẹ nào làm được.
Ngoài ra, phụ huynh Nhật Bản thường ít khi cáu giận và đổ hết trách nhiệm lên nhà trường. Vì họ nhìn nhận rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ mâu thuẫn, xung đột rất nhỏ của những đứa trẻ. Nếu làm quá sẽ gây căng thẳng cho gia đình, nhà trường lẫn tâm lý của trẻ.
4. Bố mẹ Nhật phối hợp với nhà trường ngăn chặn bạo lực học đường
Để đảm bảo tình trạng bạo lực học đường và việc con bị bạn đánh không còn tiếp diễn trong tương lai, bố mẹ Nhật lựa chọn chủ động phối hợp với nhà trường để tìm ra phương án giải quyết.

Thứ nhất, họ thường kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của hai bên (trẻ đánh con, con mình, bố mẹ của trẻ đánh con) và từ nhân chứng (nếu có).
Thứ hai, bố mẹ tương tác nhiều hơn với giáo viên chủ nhiệm tạo môi trường an toàn để con quay trở lại lớp học mà không sợ bạn bè chê cười, xa lánh. Đây cũng là cách giúp trẻ bị bạn đánh tái hòa nhập nhanh với môi trường lớp học.
Thứ ba, cùng thương lượng để tìm ra hình phạt kỷ luật hợp lý cho trẻ để giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực học đường tiếp diễn lần sau.
Thứ tư, bố mẹ đề xuất với trường học tổ chức các dịch vụ tham vấn học đường để hiểu hơn về tâm lý, động cơ của học sinh khi đánh bạn. Hoặc nhiều buổi tọa đàm chia sẻ phương pháp cùng con vượt qua bắt nạt, bạo lực học đường một cách lành mạnh nhất.
Việc thực hiện các giải pháp đòi hỏi phụ huynh nắm rõ bản chất của bạo lực học đường và những biểu hiện cụ thể ở trẻ khi bị bạn đánh. Cùng tham khảo thêm qua bài viết Học sinh làm gì khi bị bạo hành học đường của BingGo Leaders.
5. Người Nhật dạy con biết cách bảo vệ bản thân khi bị bạn đánh
Tuyệt chiêu cuối cùng trong cách dạy con của người Nhật khi bị bạn đánh rất đáng ngưỡng mộ là luôn dạy con biết cách bảo vệ bản thân mình trong cuộc sống.
Đây được coi là phương pháp đề phòng trước khi vấn đề này xảy ra, giúp trẻ hạn chế những va chạm không đáng có.

Một số cách bảo vệ bản thân bố mẹ Nhật hay dạy trẻ tránh bị bạn đánh là:
- Dạy con những thông tin cần thiết liên quan đến các hành vi bạo lực tại học đường.
- Cùng con tìm hiểu các kỹ năng phòng vệ cơ bản.
- Dạy con cách kiềm chế tốt cảm xúc khi có xung đột xảy ra với bạn bè.
- Giúp con nhớ rõ khi bị bạn đánh thì phải yêu cầu sự trợ giúp từ cha mẹ, thầy cô giáo để không bị tổn thương.
Lời kết
Sau tất cả, người chịu tổn thương nhiều nhất khi bị bạn đánh luôn là trẻ. Nhưng nếu bố mẹ có cách hành xử tinh tế, thông thái thì con sẽ rất yên tâm và vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách nhanh chóng.
Hy vọng bài viết chia sẻ cách dạy con của người Nhật khi bị bạn đánh giúp bố mẹ tìm được nhiều giải pháp tinh tế hơn khi đối diện với vấn đề này cùng con.
Ngoài ra, người Nhật nổi tiếng là có những phương pháp nuôi dạy con cái rất đáng ngưỡng mộ. Các bậc phụ huynh tìm hiểu thêm bài viết về Cách dạy con của người Nhật để nuôi dạy con thành người kỷ luật, độc lập trong cuộc sống nhé.