Bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng đau đầu trong việc tìm cách dạy con tự giác học bài. Trẻ con thường thích các hoạt động vui chơi hơn là ngồi vào bàn học. Vậy làm thế nào để có thể xây dựng cho con thói quen tự giác học bài? Cùng tham khảo những cách dạy con tự giác học tập qua bài qua bài viết dưới đây nhé!
1. Ứng dụng phương pháp 2R - 3P vào cách dạy con tự giác học bài
Phương pháp 2R-3P được coi như một chuỗi hoạt động giúp cha mẹ hiểu con nhất để từ giúp con tự giác trong học tập. Phương pháp này còn giúp rèn luyện cho con cách tự tư duy, tự học, tự khám phá, tự phát triển.
Phương pháp 2R-3P bao gồm:
1.1. Responsibility (Trách nhiệm)
Phụ huynh cần cho con biết việc học là trách nhiệm của con, cha mẹ chỉ có thể hỗ trợ con những khi con cần chứ không thể nào thay con học được.
Cha mẹ cũng nên làm gương trước con. Vào những lúc con học, cha mẹ thay vì ngồi xem TV giải trí, bấm điện thoại,... thì cũng hãy tự tìm tòi học hỏi.
Chỉ khi con cảm nhận được bầu không khí nghiêm túc của việc học trong nhà thì khi ấy con mới nhận thức rõ học là một việc quan trọng, mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm trước việc học của chính mình.
1.2. Routine (Thói quen)
Thói quen nhỏ tạo nên thành công lớn. Cha mẹ nên giúp con xây dựng thói quen học tập ngay từ khi con còn nhỏ. Hãy biến việc học trở thành một công việc phải làm hàng ngày.
Chẳng hạn như khi còn vào lớp 1, hãy giao kèo với con rằng phải hoàn thành bài tập vào mỗi tối. Mới đầu, đừng ép con học trong khoảng thời gian quá lâu, chỉ cần bé chịu ngồi vào bàn và học trong khoảng 15 phút là đã thành công rồi. Cứ mỗi khi bé tăng 1 lớp thì hãy tăng thời gian tự học vào mỗi tối.
1.3. Praise (Khen thưởng)
Dẫu rằng học là trách nhiệm của bản thân, nhưng đối với con trẻ, việc được khen thưởng sẽ giúp bé thêm phấn khích và ra sức hoàn thành trách nhiệm học tập.
Các bạn nhỏ, nhất là các bạn học cấp 1 vẫn chưa ý thức được việc học sẽ có ích cho tương lai sau này ra sao. Vậy nên những lời khen, phần thưởng của phụ huynh dành cho sự tiến bộ, chăm chỉ của bé sẽ giúp bé thích thú với việc học nhiều hơn.
Lưu ý quan trọng, phụ huynh đừng nên so sánh con với các bạn đồng trang lứa. Điều này chỉ làm tăng thêm cảm giác tự ti, chán ghét việc học, nghiêm trọng hơn là còn khiến con dần hình thành tính cách ganh đua, ganh ghét.
1.4. Power of choices and consequences (Sức mạnh từ sự lựa chọn và kết quả)
Phụ huynh hãy giúp con thấy rằng mỗi lựa chọn đều sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Chẳng hạn như nếu con chọn xem TV thay vì học bài thì con phải chấp nhận việc sẽ không nhận được sự khen thưởng từ cha mẹ, ông bà, cô giáo. Nếu con chọn siêng năng học bài thì con sẽ nhận được sự tán dương, khích lệ từ mọi người.
Thay vì ép buộc bé học, cha mẹ hãy cho bé quyền được lựa chọn và giúp bé thấy kết quả từ lựa chọn ấy. Điều này sẽ giúp bé tự hiểu ra mình nên làm gì và đâu là điều tốt cho mình.
1.5. Patient (Kiên nhẫn)
Cha mẹ nên thấu hiểu cho con nhỏ, ở độ tuổi này bé sẽ vẫn còn ham chơi. Chúng ta - những bậc phụ huynh thuở nhỏ cũng như vậy. Vì thế, cha mẹ nên kiên nhẫn uốn nắn và giúp con duy trì thói quen tự học.
“Công cuộc” giúp con tự giác học bài phải tính bằng tháng, bằng năm. Hiểu được điều này, phụ huynh sẽ bớt áp lực lên con nhỏ, giúp bé được phát triển một cách tự nhiên.
2. 5 lưu ý trong cách dạy con tự giác học bài
Để việc áp dụng phương pháp 2R - 3P vào cách dạy con tự giác học bài được phát huy tốt nhất, phụ huynh nên lưu ý những điều dưới đây.
2.1. Tạo góc học tập riêng cho con
Lưu ý đầu tiên trong cách dạy con tự giác học bài chính là “tạo góc học tập riêng cho con”. Việc tạo góc học tập riêng sẽ giúp bé cảm nhận được học là một việc nghiêm túc, quan trọng, được cha mẹ quan tâm và đầu tư. Bên cạnh đó, sở hữu một không gian học tập của riêng mình sẽ giúp bé thoải mái học tập và tự do sáng tạo.
Phụ huynh nên tạo góc học tập riêng cho bé ở những nơi có đủ ánh sáng tự nhiên, yên tĩnh, tránh xa môi trường có tiếng ồn như TV hoặc nơi trẻ con chơi đùa,... Bàn học nên vừa với chiều cao của bé để bé có thể thoải mái ngồi học, không bị mất tập trung.
2.2. Không phàn nàn, trách mắng khi con đang học
Nhiều cha mẹ có thói quen hay la rầy, hù dọa con khi con đang học, dẫu rằng điều này xuất phát từ tâm lý muốn tốt cho con nhưng lại vô tình khiến con khó tập trung, thấy tủi thân.
Hãy để quá trình con tự học được diễn ra thoải mái. Những phàn nàn, trách mắng không khiến con học giỏi, chỉ khiến con thêm tự ti và chán ghét việc học.
Những lúc con bị điểm kém trên lớp, thay vì la mắng con thì hãy an ủi, trao đổi với con. Đừng tạo cho bé cảm giác “bị điểm kém là tội lỗi”. Vốn dĩ một con điểm chẳng thể nào nói lên tất cả, điều quan trọng nhất là con đường học tập dài rộng của hôm nay và mai sau.
2.3. Không can thiệp vào quá trình con đang học
Nhiều cha mẹ thường hay lo sợ con làm bài tập không được, con không hiểu bài nên hay can thiệp, chỉ bài vở thậm chí là làm hộ bài tập cho con. Đây không phải là cách dạy con tự giác học bài đúng đắn!
Hãy để con tự học, tự tư duy, tự khám phá bản thân. Cha mẹ chỉ nên hỗ trợ con khi con cần sự giúp đỡ. Đừng sợ việc con làm bài tập sai, quan trọng là con cố gắng và siêng năng học tập.
2.4. Khen thưởng con đúng cách
Việc khen thưởng không đúng cách có thể khiến bé chỉ học đối phó. Vì vậy, phụ huynh nên khen thưởng con vì quá trình học tập có tiến bộ, có sự nỗ lực và kiên trì. Nên tránh những câu khen thưởng như “con giỏi quá” vì dễ khiến bé tự tin thái quá và chủ quan trong học tập
Cha mẹ có thể khen thưởng trẻ bằng phần thưởng "mặt cười", "ngôi sao",... Ví dụ bạn giao kèo với con mỗi tuần sẽ học 5 bài tiếng Anh. Vậy thì khi con hoàn thành mỗi bài học thì hãy thưởng cho con một ngôi sao.
Khi nào đạt đủ 5 ngôi sao thì con sẽ được xem TV 30 phút hoặc được chọn mua một món đồ chơi. Khi tạo được mục tiêu cụ thể thì việc học sẽ trở thành động lực, thói quen và niềm yêu thích của con.
2.5 Không bênh con một cách vô lý
Không ít cha mẹ bênh con, bao bọc con , sẵn sàng “xù lông nhím” nếu ai đó nói điều không hay tới con. Thậm chí, khi con làm sai cha mẹ thì sẽ đổ lỗi cho ngoại cảnh mà không thèm quan tâm vấn đề có phải xuất phát từ con mình hay không.
Ví dụ, nhiều bạn được tạo điều kiện học hành, nhưng kết quả học tập vẫn thấp. Ngay lập tức, cha mẹ sẽ nghĩ ngay là do giáo viên dạy không tốt, lớp học không phù hợp,… mà không chịu nhìn nhận lại tính tự giác học của con mình.
Một đứa trẻ khi đã quen với việc được bố mẹ bảo bọc thì sẽ trở nên rất yếu đuối và dễ gục ngã trước khó khăn. Cha mẹ thông thái hãy biết cách xử trí, nhìn nhận một chuyện ở đa góc nhìn chứ tuyệt đối không bênh con.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là “mọi lỗi lầm đều do con”, cha mẹ vẫn nên chú ý đến môi trường học tập, giáo viên, bạn bè để tránh việc con bị trù dập, bắt nạt ngay từ nhỏ dẫn đến tổn thương tâm lý nặng nề sau này.
3. Kết luận
Trên đây là những cách dạy con tự giác học bài hiệu quả nhất. Mong rằng quý phụ huynh, giáo viên sẽ đúc kết được những điều giá trị sau khi đọc xong bài viết này. Cảm ơn bạn đã nhấn đọc bài viết, tiếp tục đón chờ những bài chia sẻ hữu ích của BingGo Leaders bạn nhé!
Tham khảo thêm: Phát hiện 7 cách dạy con học giỏi, ít áp lực mà vẫn hiệu quả.