Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ không ít lần gặp phải những tình huống khó xử đòi hỏi con phải có những kỹ năng cần thiết để tự giải quyết vấn đề. Một trong số đó chính là nghệ thuật nói “không” với những điều trẻ cho là không đúng hoặc không phù hợp.
Vậy làm thế nào để dạy con biết từ chối và giải thích cho con những việc có thể và không thể? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của BingGo Leaders để biết thêm những thông tin hữu ích nhé.
1. Tại sao phải dạy con biết từ chối?
- Giúp con tránh khỏi những nguy hiểm: Sẽ rất nguy hiểm nếu con lúc nào con cũng chấp nhận sự sai bảo hay yêu cầu của người lớn một cách vô điều kiện. Bởi lẽ, việc đồng ý với mọi dần khiến con trở thành một người thụ động và không chống lại được những áp lực trong tương lai. Từ đó, khi đứng trước những nguy hiểm như lời dụ dỗ của bạn bè, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích,.. con dễ mất kiểm soát.
- Con trở thành một đứa trẻ tự tin, dám nói lên tiếng nói của mình: Nghệ thuật nói “không” đúng thời điểm chắc chắn sẽ rất có ích đối với sự phát triển của trẻ trong tương lai. Khi trẻ biết dùng từ “không” với bất kỳ ai, kể cả với ba mẹ, người lớn với những yêu cầu phi lý chính là lúc mà con đang dần trưởng thành và biết cách thể hiện giá trị của bản thân. Từ chối thành công mà không làm mất lòng người khác chúng tỏ con là một đứa trẻ thông minh, quyết đoán và biết bảo vệ bản thân.
2. Trẻ nên từ chối khi nào?
Các bạn nhỏ thường tỏ ra khá bối rối khi không biết cách để từ chối hay xử lý một vấn đề nào đó. Đôi khi trẻ cũng không biết việc mình đồng ý/ từ chối một sự việc nào đó liệu có đúng hay không? Theo đó ba mẹ lúc này đóng vai trò là người chỉ đường, cần có sự định hướng và dạy dỗ cho trẻ. Dưới đây là một số những tình huống mà con nên nói “không” như:
- Món quà đắt tiền, không phù hợp với độ tuổi của con: Ở độ tuổi này, con chỉ nên nhận những món quà nhỏ, không đắt đỏ hoặc mang ý nghĩa tinh thần. Lý do bởi trẻ có thể chưa biết cách giữ gìn đồ vật hoặc việc thường xuyên nhận những món quà có giá trị lớn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, thói quen của con.
- Không nhận, cầm đồ vật hay lời đề nghị từ người lạ: Ba mẹ cần giáo dục trẻ không cầm, nhận bất cứ món đồ hay lời đề nghị nào đến từ những người lạ. Hãy cho trẻ hiểu việc con gật đầu đồng ý sẽ có rất nhiều nguy hiểm có thể xảy đến.
- Chưa tham khảo qua ý kiến của ba mẹ: Vì còn quá nhỏ, nên con khó có thể xác định được việc nào nên và không nên làm, do đó, trẻ cần phải có sự “chỉ dẫn” từ người lớn. Cần hướng dẫn con khi làm bất cứ việc gì cũng nên ý kiến của ba mẹ hoặc người thân, người lớn mà con tin cậy.
3. Dạy con biết từ chối như thế nào?
Ba mẹ xem ngay 4 phương pháp dưới đây giúp việc dạy con biết cách từ chối khoa học và dễ dàng hơn nhé.
3.1. Phải cảm ơn trước khi từ chối
“Không, con cảm ơn!” là nói đơn giản và lịch sự nhất khi con từ chối lời đề nghị từ người khác. Việc cảm ơn và biết ghi nhận lòng tốt sẽ giúp người đề nghị không cảm thấy bị phật ý. Ba mẹ có thể chỉ con dùng mẫu câu “ cảm ơn… nhưng con…” để từ chối người khác. Chỉ một câu nói tưởng chừng như đơn giản vậy thôi nhưng lại có thể làm hài lòng cả con và cả đối phương nữa đó.
Ngoài câu nói “con cảm ơn”, ba mẹ cũng nên dạy con có thái độ tích cực, cử chỉ thân thiện trước người đề nghị.
Ví dụ khi con từ chối bằng một nụ cười tươi thì không ai có thể trách mắng với con. Ngược lại, nếu từ chối bằng thái độ căm ghét hay hằn học, con sẽ không bao giờ nhận được thiện cảm đến từ mọi người xung quanh.
3.2. Không soi mói hay nhận xét về món quà
Một trong những điều ba mẹ cần giáo dục trẻ ngay từ khi con nhỏ đó chính là dành thái độ đúng mực. Tuyệt đối không tỏ thái độ hoặc chê bai, soi mói, nhận xét về món quà được tặng.
Thay vì tỏ ra chán ghét hay chê bai, trẻ nên được dạy cách đưa ra lý do phù hợp cho hành động của mình. Với con, lý do đơn giản và khéo léo nhất đó là “con không được sự cho phép từ ba mẹ”.
Khi trẻ được dạy bảo theo cách “không được làm gì khi chưa được cho phép” thể hiện được con là cô bé/ cậu bé ngoan. Người đối diện sẽ không tiếp tục ép buộc trẻ làm những điều mà con không mong muốn.
3.3. Từ chối phải dứt khoát
So với người lớn, trẻ thường có xu hướng dễ bị dụ nên vấn đề mà ba mẹ cần quan tâm đó là làm sao để con không được đổi ý trước sự năn nỉ hoặc món quà của người đối diện. Trong tình huống mà ba mẹ không ở bên cạnh, hãy luôn hướng dẫn và cảnh báo cho con phải từ chối dứt khoát. Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống nguy hiểm từ xung quanh mà chúng ta không thể lường trước.
Để con không bị lung lay trước sự mời gọi hấp dẫn từ người đối diện, ba mẹ cần đưa ra một số những giải pháp giúp con xử lý tình huống. Với mỗi tình huống, con cần phải ưu tiên sự từ chối dứt khoát, tránh sự nửa vời, để tránh gây hại cho bản thân. Bởi lẽ, nếu câu trước từ chối, câu sau con lại đồng ý, vô tình con dễ lâm vào tình trạng nguy hiểm khi gặp đối tượng xấu.
3.4. Lặp đi lặp lại nhiều lần sự từ chối
Nếu người đưa ra yêu cầu liên tục chèo kéo và gây áp lực, hãy nhớ đừng quên lặp đi lặp lại sự từ chối. Một khi con đã đưa ra sự từ chối, phải tỏ rõ thái độ kiên định với những gì mình nói và đừng để đối phương lay chuyển suy nghĩ của mình. Khi con không biết giải thích hay trình bày như thế nào, sự từ chối liên tục sẽ là một lựa chọn tốt mà con có thể cân nhắc.
4. Lời kết
Dạy con biết từ chối là bài học đầu tiên và cũng rất quan trọng. Giáo dục những kỹ năng cần thiết thông qua việc dạy trẻ cách từ chối sẽ giúp con trở nên tự tin hơn và tránh khỏi những nguy hiểm không đáng có ngay cả khi không có ba mẹ ở bên.
Những chia sẻ mà BingGo Leaders nhắc đến trên đây sẽ đem đến góc nhìn khách quan và định hướng giáo dục trẻ khoa học hơn. Nếu ba mẹ quan tâm nhiều hơn về những chủ đề tương tự, đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo nhé!
Tham khảo thêm: 4 cách dạy trẻ nói lời cảm ơn xin lỗi - Hiểu đúng dạy đúng.