Đứng giữa giai đoạn ranh giới giữa “em bé” và “cô bé”, “cậu bé”, có nhiều nguyên nhân gây ra biến đổi về tính cách và tâm lý trẻ. Các bậc phụ huynh sẽ cần phải tìm hiểu kỹ tâm lý của trẻ nhỏ, để tìm được biện pháp giáo dục hợp lý.
BingGo Leaders hiểu và mong muốn được đồng hành cùng ba mẹ trong việc nuôi dạy các bạn nhỏ trong bất kỳ giai đoạn nào. Chính vì vậy, trong bài viết này BingGo Leaders sẽ gửi đến các bậc phụ huynh những điều cần chú ý khi con trẻ khủng hoảng tuổi lên 6.
1. Các thay đổi đặc trưng của trẻ lên 6
1.1. Thay đổi về thể chất
Trong giai đoạn này, các con có thể khiến bố mẹ bất ngờ vì thay đổi về mặt thể chất rất nhanh. Ví dụ từ thân hình khá mũm mĩm, bé có thể trở nên cao và gầy chỉ trong một khoảng thời gian khá ngắn.
Trong giai đoạn này, bé dễ dàng cao thêm từ 5 tới 7 cm chỉ trong một năm. Thậm chí, bé có thể thực hiện được những khả năng phức tạp hơn về thể chất như chơi các môn thể thao khó, chơi các môn thể thao phối hợp v.v…. Sẽ có một vài sự khác biệt về mặt thể chất giữa các bé. Cụ thể, nhiều bé có năng khiếu thể thao sẽ bắt đầu bộc lộ, ngược lại thì có các bé khá khó khăn với những hoạt động thể chất phức tạp.
Ba mẹ cần tham gia chơi các trò chơi vận động cùng con thường xuyên, để rèn giũa nâng cao kỹ năng thể chất của các bé. Các môn thể thao như bóng đá, bóng ném, nhảy dây sẽ vô cùng có ích với sự phát triển của bé trong thời kỳ này. Mách bạn trò chơi mèo đuổi chuột chi tiết và dễ nhất để có thể cùng bé vận động mỗi ngày.
1.2. Thay đổi về tâm lý
Song song với phát triển về thể chất, trẻ ở giai đoạn này cũng có những thay đổi lớn về tinh thần, cảm xúc. Bé sẽ bắt đầu có khuynh hướng tự lập trong những việc cá nhân như tắm rửa, chọn áo quần, chọn kiểu tóc, chọn mẫu vở mình thích, v.v…
Nếu thực sự cần thiết, cha mẹ có thể đưa ra lời khuyên cho bé, nhưng hãy tôn trọng ý kiến của bé thay vì ép buộc bé làm theo ý mình. Việc con có trách nhiệm hơn với bản thân là vô cùng cần thiết, hãy đồng hành và hướng dẫn con khi con cần.
Môi trường xung quanh và các mối quan hệ xã hội cũng là yếu tố khiến bé thay đổi về tâm lý, vì cả môi trường và các mối quan hệ của bé sẽ ngày càng mở rộng hơn. Bé sẽ phải đối diện với vai trò mới là một học sinh, từ đó sẽ muốn được thể hiện mình nhiều hơn.
1.3. Thay đổi về nhận thức xã hội
Với độ tuổi này, trẻ sẽ chú ý tới tình bạn khá nhiều, trẻ luôn mong muốn được yêu thích hoặc được công nhận từ những người xung quanh như bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng vô cùng mong muốn thể hiện tính độc lập của mình cho các mối quan hệ như bạn bè, thầy cô hay cha mẹ thấy.
Đồng thời, trong giai đoạn này các bạn nhỏ sẽ không tránh khỏi những cuộc tranh luận, đôi khi là xung đột với bạn bè, thậm chí là những người bạn thân một cách thường xuyên. Nhưng cha mẹ có thể yên tâm rằng những cuộc cãi vã này sẽ nhanh chóng trôi qua, hãy bình tĩnh lắng nghe con, từ tốn giảng giải mới là phương pháp giáo dục hợp lý trong thời điểm này.
2. Khủng hoảng tuổi lên 6 ở trẻ ảnh hưởng như thế nào?
2.1 Biểu hiện
Khi rơi vào giai đoạn này, trẻ có rất nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Trẻ sẽ có thể trở nên rất nhạy cảm hay tủi thân khi không được người lớn chú ý đến nữa. Hoặc có những trường hợp trẻ quá hiếu thắng, luôn muốn mình là người tốt nhất. Từ đó dẫn tới tính ganh đua hơn thua trong các trò chơi.
Ngoài ra, còn có xu hướng biết ngưỡng mộ một nhân vật nào đó trong truyện tranh, phim và có thể bắt chước làm theo. Nhìn chung, ở tuổi này tâm lý trẻ thay đổi rất thất thường. Đôi khi sẽ vô cùng nghe lời, ngoan ngoãn nhưng đôi khi sẽ vô cùng bướng bỉnh và có thái độ thách thức.
2.2. Những biểu hiện cần quan tâm đặc biệt
Khi bước chân vào bậc tiểu học, đây sẽ là lần đầu các bé phải ở cạnh với bạn bè trong một thời gian khá dài và bắt buộc phải tuân theo các nguyên tắc của trường, lớp.
Thời điểm này sẽ bắt đầu có sự khác biệt trong quá trình phát triển, cần quan tâm đặc biệt khi trẻ gặp các vấn đề như trẻ thu mình, chán nản, trở nên lo lắng, không có tương tác với với người khác. Bé có thể sẽ khó khăn trong việc thực hiện các yêu cầu có 2 phần liên tiếp, tần suất trẻ có hành vi thách thức, phản kháng cao hơn.
Đây không phải là những biểu hiện bình thường của khủng hoảng tuổi lên 6, mà thường là các chứng tâm lý nghiêm trọng hơn. Cha mẹ nên chăm sóc và gặp bác sĩ nhi khoa ngay khi có thể.
2.3. Hệ quả
2.3.1. Hệ quả đối với trẻ
Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 6 sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ nếu không có sự đồng hành đúng đắn của phụ huynh. Một số trẻ sẽ dần trở nên thu mình hơn khi liên tục không được công nhận, hay sẽ có những hành vi ảnh hưởng tới các bạn khác vì muốn được được chú ý tới.
Trẻ sẽ luôn tồn tại 2 dạng tâm lý đối nghịch nhau ở giai đoạn này, như tự tin và tự ti, hiếu động và thụ động, vâng lời và chống đối, vị tha và ích kỷ. Tuy nhiên tất cả các dạng tâm lý này đều sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn mỗi ngày, chỉ cần có sự hướng dẫn phù hợp từ thầy cô, cha mẹ.
2.3.2. Hệ quả với phụ huynh của trẻ
Cha mẹ của trẻ lên 6 có thể gặp nhiều hoang mang, dễ bị stress vì con không làm theo ý mình muốn và không biết cách nào để giáo dục con hợp lý. Ngoài ra, có thể có những tình huống xử lý khiến con trẻ tổn thương, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đi vào ngõ cụt.
3. Giải pháp khi trẻ khủng hoảng tuổi lên 6
3.1. Phối hợp giáo dục kỹ năng sống tại nhà trường và gia đình
Trường học và gia đình là hai môi trường trẻ sẽ thường xuyên phải tiếp xúc, cũng là nơi tạo ra nhiều kiến thức, nhận thức và từ đó thay đổi tâm lý của trẻ.
Chính vì vậy, việc phối hợp giáo dục từ nhà trường và gia đình là vô cùng hợp lý để định hướng cho trẻ trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 6. Có thể thêm những chương trình đào tạo kỹ năng sống cho trẻ trên lớp song song với việc học kiến thức cơ bản. Gia đình có thể tham khảo TOP những kênh youtube dạy kỹ năng sống cho trẻ phát triển toàn diện để tăng thêm các kỹ năng cho bé.
3.2. Can thiệp điều trị tâm lý nếu cần thiết
Có những biểu hiện của trẻ trong giai đoạn này cần quan tâm đặc biệt, vì một số biểu hiện dễ bị nhầm với các chứng bệnh tâm lý phổ biến ở trẻ em. Nếu duy trì các biểu hiện nghiêm trọng trong thời gian dài, phụ huynh nên cân nhắc đưa con đi khám ở nơi uy tín.
Và trên hết, cha mẹ đừng quên sự đồng hành của mình với con cũng là một liều thuốc tâm lý chữa lành dù cho con dù ở bất kỳ giai đoạn nào trong đời. Nếu cảm thấy quá khó để hiểu các con, hãy tìm hiểu Tại sao cha mẹ không hiểu con cái? 4 điều con cái mong chờ nhất.
4. Tổng kết
Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 6 sẽ là một giai đoạn nhiều bước ngoặt trong cuộc đời của con, giúp con phát triển hơn nhưng cũng thật khó khăn cho con từng bước thích ứng và làm quen. Với sự giúp đỡ từ thầy cô, nhà trường, bạn bè và gia đình, bé sẽ sớm vượt qua và trưởng thành hơn mỗi ngày.