Mang đến cho con một hành trình lớn khôn đúng nghĩa với các tính từ miêu tả như: hạnh phúc, vui vẻ và được là chính mình…Đó chính là cách ba mẹ giúp con đặt nền tảng cho tương lai.
Nhưng làm thế nào để nuôi dạy con hạnh phúc, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì thì không phải điều mà ai cũng biết? Đừng lo lắng, tuyệt chiêu cùng con vượt qua thời kỳ khó khăn này được chia sẻ dưới đây sẽ giúp ba mẹ làm điều đó.
1. Khủng hoảng tuổi dậy thì là gì?
Đây là giai đoạn diễn ra những thay đổi mạnh mẽ về mặt sinh lý ở trẻ, phổ biến trong độ tuổi từ 11-15. Khi đó nội tiết tố sinh dục nam và nữ tăng cao, cơ thể các bạn nhỏ sẽ xuất hiện những sự phân biệt giới tính rõ rệt.
Tuy nhiên sự phát triển về tâm lý của trẻ ở độ tuổi này chưa thích ứng kịp với những thay đổi của cơ thể. Điều này dễ tạo ra căng thẳng, con dễ gặp phải khủng hoảng (stress).
2. Cách nhận biết khủng hoảng tuổi dậy thì ở trẻ
Để giúp con vượt qua giai đoạn này, mẹ cần tìm hiểu cách nhận biết để chủ động hơn trong việc cùng con khắc phục các vấn đề về tâm sinh lý.
Một vài biểu hiện mẹ dễ nhận biết, chẳng hạn như:
- Trẻ dễ cáu gắt, giận dữ, khóc vô cớ
- Con có xu hướng tranh cãi với ba mẹ, bướng bỉnh
- Tính cách thay đổi thất thường, đôi khi con năng động và hoạt bát, lúc thì ủ rũ, trầm tính hơn
- Trẻ ưa thích việc tự do khám phá, khao khát thể hiện cái tôi cá nhân
- Khẩu vị thay đổi, thèm ăn hoặc chán ăn bất chợt
- Con tăng hoặc giảm cân đột ngột, đặc biệt ở những trẻ bị stress nặng
- Trẻ phản ứng chậm, uể oải, mất tập trung
- Kết quả học tập giảm sút
- Trẻ có xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực
- Tự ti về ngoại hình: quá mập hay quá gầy, da ngăm, có nhiều mụn…
- Bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ có xu hướng tìm đến phim ảnh người lớn để thỏa mãn tính tò mò. Tuy nhiên nếu ba mẹ không chú ý giáo dục giới tính sớm, con dễ tìm đến tình dục sớm so với lứa tuổi (nhất là bé nam), từ đó gây ra nhiều hệ lụy không tốt
- Ở một số bé có dấu hiệu nổi loạn, tìm đến bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích
3. Nguyên nhân gây ra khủng hoảng tuổi dậy thì
Dậy thì là lứa tuổi xuất hiện nhiều sự thay đổi về thể trạng và tâm sinh lý diễn ra phức tạp nhất. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng khủng hoảng là do sự thay đổi của hormone sinh dục.
Nếu mọi người xung quanh, nhất là ba mẹ không nắm rõ cảm xúc và vô tình tác động mạnh, ví dụ như thường xuyên trách mắng, la hét, giận dữ hoặc cấm đoán trẻ. Điều này khiến con dễ nảy sinh tâm lý bất ổn, có xu hướng chống đối lại. Thậm chí, một số trẻ có biểu hiện kích động hơn, stress và khủng hoảng nặng.
Đối với bạn bè, nếu trẻ bị trêu chọc hoặc phân biệt đối xử sẽ dẫn đến việc con tự ti, nhút nhát và khó chia sẻ. Nếu không được định hướng và giải tỏa, trẻ dễ bị hoang mang và ở trạng thái sốc. Về lâu dài tạo gánh nặng cho cảm xúc, trẻ có thể mắc phải hội chứng rối loạn lo âu.
3. Mẹ nên làm gì để con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì?
Giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì thường là thời điểm bắt đầu chuyển cấp học mới (lớp 6, lớp 7). Nếu không nhận được sự quan tâm đúng cách từ ba mẹ, những biểu hiện sinh lý có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của con. Một số lời khuyên từ các bậc phụ có con trong độ tuổi này sẽ giúp ba mẹ đồng hành cùng con hiệu quả hơn.
3.1. Trấn an trẻ
Trẻ có biểu hiện lo lắng, cáu gắt là do chưa đủ thời gian để tiếp nhận sự thay đổi của cơ thể. Lúc này, mẹ cần trấn an để con yên tâm hơn. Mẹ luôn nói với con rằng đây đều là những dấu hiệu sinh lý bình thường, chúng không xấu và không có hại với con.
Ngoài ra, ba mẹ hãy là những bạn tâm sự và lắng nghe con mỗi ngày. Với các vấn đề về sinh lý, nếu là bé gái thì mẹ hãy nói chuyện với con. Ngược lại, nếu là bé trai thì hãy để bố hướng dẫn.
3.2. Luôn tôn trọng không gian riêng tư của trẻ
Bước vào tuổi dậy thì, trẻ cực kỳ khao khát sự tự do, con không muốn bị ba mẹ giám sát hay ép buộc. Vì thế ba mẹ nên dành cho một không gian riêng tư, chẳng hạn như cho con ở phòng riêng. Trước khi vào phòng, ba mẹ hãy gõ cửa để thể hiện sự lịch sự và tôn trọng và làm gương cho trẻ.
Ngoài ra ba mẹ không nên tự ý xem đồ dùng cá nhân của bé như điện thoại, máy tính, nhật ký…Tuy nhiên vẫn cần kiểm soát tinh tế (ví dụ như giáo dục sớm, thỏa thuận về thời gian online mỗi ngày…). Điều này tránh để con xem các chương trình chưa phù hợp với lứa tuổi dẫn đến hệ lụy không tốt về tâm lý, hành vi.
Nếu trong giai đoạn này con có những sở thích riêng, mẹ hãy định hướng và hết lòng ủng hộ con. Khi cảm nhận được sự tôn trọng và có không gian riêng, trẻ sự tự tiết chế hành vi bướng bỉnh, ngang ngạnh của mình.
3.3. Khuyến khích con vận động nhiều hơn
Vận động nhiều hơn, rèn luyện thể dục thể thao không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp con giải tỏa tinh thần, stress. Đồng thời ba mẹ có thể dành thời gian để cùng con vận động, tham gia các hoạt động ngoài trời để gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình với trẻ.
Chẳng hạn mỗi buổi sáng cả nhà cùng nhau chạy bộ, buổi chiều tổ chức chơi cầu lông, cuối tuần cả nhà đi tham gia ngoại khóa, picnic hoặc đi bơi...
Mẹ xem ngay: Các Hoạt Động Ngoại Khóa Bổ Ích Cho Trẻ 5-12 Tuổi.
3.4. Cho trẻ gặp gỡ chuyên gia tâm lý
Đã có nhiều trường hợp ba mẹ đã nỗ lực để cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì trẻ không có nhiều biểu hiện tốt lên.
Nếu cảm thấy không đủ khả năng giải quyết, các dấu hiệu nổi loạn trầm trọng hơn (ví dụ như bé ngỗ nghịch, có xu hướng bạo lực, sử dụng chất kích thíc…) thì ba mẹ nên cho bé gặp gỡ chuyên gia tâm lý. Ba mẹ đừng chủ quan bởi giai đoạn dậy thì này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và quá trình trưởng thành của con.
4. Lời kết
Trên đây là tổng quan về khủng hoảng tuổi dậy thì và 4 việc mẹ cần làm để cùng con vượt qua giai đoạn này. Mẹ đừng quên dành nhiều thời gian để lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng con trong hành trình khôn lớn và trưởng thành mỗi ngày.
Nếu mẹ còn băn khoăn nào khác, hãy để lại bình luận ngay bên dưới, BingGo Leaders sẽ giải đáp cho mẹ nhanh chóng nhất.