Ở thời điểm lên 3 tuổi, trẻ có nhiều sự thay đổi, nhất là về mặt tâm lý. Đồng thời đôi khi các con sẽ có những hành vi tiêu cực như làm ngược lại những yêu cầu được đưa ra, khiến bố mẹ không biết xử lý ra sao. Không ít bậc phụ huynh đã phải “bó tay” khi chứng kiến cách cư xử của con và mong muốn tìm được hướng giáo dục con hợp lý nhất.
Trong bài viết này BingGo Leaders sẽ cung cấp một số thông tin về giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 để các phụ huynh bớt lo lắng, áp lực khi con trẻ rơi vào giai đoạn này
1. Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?
1.1. Biểu hiện chính của giai đoạn
Dựa theo các nghiên cứu tâm lý học, cụm từ “khủng hoảng tuổi lên 3” nhằm chỉ khoảng thời gian trẻ từ 3 tới 4 tuổi. Con thường có các biểu hiện tâm lý như: Thay đổi rõ rệt các biểu hiện trong những hành vi. Ba mẹ sẽ thấy con trở nên thích thú, tò mò với các sự vật, hiện tượng xung quanh.
Tuy nhiên, song song với những biểu hiện tích cực, trẻ sẽ có những khía cạnh tiêu cực khác lạ như hay khóc, thường xuyên cáu gắt, thích làm ngược lại ý của người lớn. Đôi khi trẻ cũng có các hành vi như đòi hỏi hay vô lễ với người lớn.
Các biểu hiện nhìn chung có thể tóm gọn lại qua các tính từ sau:
- Ngoan cố: Trẻ có biểu hiệu kiên quyết đòi hỏi ba mẹ phải đáp ứng được những yêu cầu của bản thân như đòi mua kẹo, đòi mua đồ chơi,..
- Vô lễ với người lớn: Trẻ có thể nói trống không, không đủ chủ ngữ vị ngữ, thiếu kính ngữ
- Chống đối và nổi loạn: Điều này sẽ dễ xuất hiện trong nhiều cuộc cãi vã với bố mẹ, khiến gần như có một “cuộc chiến tranh” giữa bố mẹ và bé.
- Tự tiện: Một phần tiêu cực hơn của độc lập là tự tiện, bé tự quyết định những việc nằm ngoài quyền của bé. Ví dụ tự mở tivi xem khi chưa được cho phép.
1.2. Nguyên nhân
Có rất nhiều lý do khiến bé rơi vào khủng hoảng ở độ tuổi lên 3, nhưng cha mẹ có thể hiểu đây là một giai đoạn phát triển bình thường ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân đến từ các sự biến đổi để hình thành được cột mốc phát triển của bé.
1.2.1. Mâu thuẫn giữa nhu cầu và năng lực thực tế của trẻ
Ở độ tuổi lên 3, trẻ đã ý thức được khả năng của bản thân và biết sử dụng sự phát cảm ngôn ngữ để diễn đạt mong muốn của mình. Tuy nhiên ở giai đoạn này, khả năng ngôn ngữ của con dù đã phát triển nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Điều này khiến các bé khó diễn đạt trọn vẹn ý của mình với ba mẹ.
Chính vì vậy, khi ba mẹ chưa hiểu hết mong muốn của trẻ, sẽ chưa thể đáp ứng ngay những yêu cầu đó. Điều này dẫn đến sự nổi nóng, la khóc và cáu giận ở các con.
Ngoài ra, song song với phát triển khả năng ngôn ngữ, các vận động thô của bé cũng tiến bộ khi có thể di chuyển và giữ thăng bằng tốt hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao con muốn khám phá và làm nhiều hoạt động hơn theo suy nghĩ của mình. Ví dụ: Con muốn tự mình lên bậc thang,...
Nhưng rõ ràng khả năng của trẻ ở giai đoạn 3 tuổi không đáp ứng được những nhu cầu đó. Điều này có thể khiến các bạn nhỏ dễ cáu gắt với bản thân, dễ khóc hay buồn vì muốn bỏ cuộc.
1.2.2. Mâu thuẫn giữa trẻ và người lớn
Những câu nói như “mẹ để cho con làm đi” hay “không, mẹ để con làm” sẽ khá quen thuộc với những bậc phụ huynh có con trẻ rơi vào độ tuổi lên 3. Bên cạnh sự phát triển của khả năng vận động và giao tiếp, trẻ cũng đã hình thành những ý thức đầu tiên về bản thân. Vì thế, các con muốn được độc lập làm những việc liên quan tới mình.
Tuy nhiên, vì con còn quá bé nên xu hướng chung của nhiều cha mẹ trong trường hợp này là cấm đoán, kiểm soát con trẻ.
Vì vậy, việc không tìm được tiếng nói chung là điều khá dễ gặp, nặng nề hơn sẽ là các phản ứng gay gắt từ trẻ như cãi lời bố mẹ hay bướng bỉnh.
1.3. Hậu quả
Những hệ quả của việc khủng hoảng tuổi lên 3 thực chất không quá nặng nề, vì đây là một giai đoạn bình thường trong quá trình phát triển về tâm lý của bé. Tuy nhiên, nó sẽ để lại một số vấn đề đáng quan tâm như trẻ ít chia sẻ với ba mẹ, trẻ ít nói và thụ động,.. nếu ba mẹ không tìm cách xử lý phù hợp.
2. Giải pháp cho phụ huynh khi trẻ khủng hoảng tuổi lên 3
Trẻ lên ba và có những sự thay đổi về tâm sinh lý là giai đoạn hầu như phụ huynh nào cũng phải trải qua. Thay vì lo lắng, hãy xem đây như một hành trình mới để hiểu con hơn bằng một số giải pháp sau và kết hợp với tìm hiểu thêm tính cách khả năng của trẻ lên 3 tuổi - một số điều mẹ nên biết để hiểu con hơn.
2.1. Tạo dựng các nội quy và đặt ra những giới hạn trong gia đình
Ba và mẹ hãy cùng ngồi lại với bé để thỏa thuận, đưa ra các nguyên tắc trong gia đình. Cần phải dứt khoát thực hiện đúng, đủ các quy tắc, nội quy đó để bé thấy được giới hạn của bản thân.
Điều này cũng giúp tránh tình trạng không nhất quán giữa bố và mẹ. Và để trẻ thấy được những điều con cần phải làm và sẽ không ai đồng ý khi bé làm sai. Hãy nói chuyện với bé thường xuyên và cho bé biết hành động nào được phép, hành động nào không được phép.
2.2. Tránh sự chú ý khi trẻ khóc lóc, “ăn vạ”
Bố mẹ có thể đánh lạc hướng trẻ thay vì chú ý và dỗ dành bé khi đang “ăn vạ”. Các bậc phụ huynh có thể tạo ra một số hoạt động để thu hút sự chú ý của trẻ hoặc chỉ đơn giản là “làm lơ” vào lúc đó.
Hãy cho bé thời gian để tự lấy lại bình tĩnh, lúc này phụ huynh nên hạn chế chạm vào bé. Cho tới khi các bạn nhỏ đã hoàn toàn trở về trạng thái bình thường thì ba mẹ sẽ nói chuyện với con.
2.3. Cho trẻ được quyền lựa chọn
Khi tự đưa ra quyết định, con mới có thể biết chịu trách cho hành vi của mình và có được kỹ năng giải quyết vấn đề. Sự lựa chọn của bé sẽ là những điều vô cùng đơn giản như con được chọn sữa hay cacao nóng cho bữa sáng, chọn màu sắc quần áo khi tới trường.
Điều này sẽ khiến bé tạm thời kiểm soát được cơn giận dữ của mình. Bởi khi được chọn lựa, con sẽ cảm thấy mình được bố mẹ tôn trọng. Có được sự tin tưởng từ bố mẹ, bé sẽ thêm tự tin và động lực hoàn thành việc của mình.
2.4. Cùng chơi với trẻ bằng các trò chơi đóng vai
Theo tâm lý học, hoạt động trò chơi đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của giai đoạn lên 3 với bé. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, trẻ muốn được làm người lớn, nhưng vì chắc chắn chưa thể là “người lớn thật” nên việc chơi các trò chơi đóng vai sẽ khiến trẻ hiểu ba mẹ. Điều này sẽ giúp hạn chế được cơn khủng hoảng ở trẻ.
Một số các trò chơi bố mẹ có thể tham khảo như cho trẻ chăm sóc búp bê, thay tã hay tắm rửa cho búp bê. Hay chơi trò nhập vai bác sĩ, công an, v.v…Hãy khích lệ và cảm ơn khi nhờ trẻ những công việc trong nhà.
3. Kết luận
Ba mẹ hãy xem đây là một cơ hội tuyệt vời để giáo dục cho con những điều mới mẻ trong gia đình, về những nguyên tắc, những thói quen tốt phù hợp với bé.
Đồng hành cùng con, thấu hiểu con chính là chìa khóa để khiến cho khủng hoảng không còn “khủng” với cả cha mẹ hay bé nữa. Ngoài ra, cùng tìm hiểu thêm về 3 kỹ năng tốt nhất để giáo dục kỹ năng hợp tác cho trẻ mầm non.