Khi con lên lớp 1, không ít cha mẹ cảm thấy lo lắng cho việc con có thể đọc và viết tốt ở trường không. Hơn nữa, một số trẻ sắp bước vào lớp 1 phát triển chậm hơn về khả năng đọc so với các bạn cùng trang lứa khiến phụ huynh càng áp lực hơn.
Bài viết hôm nay sẽ cùng cha mẹ tìm hiểu những giải pháp giúp cho việc dạy bé tập đọc lớp 1 hiệu quả nhất và áp dụng để hỗ trợ con tại nhà.
1. Nguyên nhân khiến cha mẹ gặp khó khăn khi dạy bé tập đọc lớp 1
Khi dạy con học đọc, không ít phụ huynh cảm thấy khó khăn bởi con không tiếp thu bài hiệu quả, không tập trung chú ý, rất mau quên. Phần dưới đây cùng cha mẹ phân tích những nguyên nhân khiến trẻ vẫn chưa thể đọc tốt như kỳ vọng.
1.1. Trẻ lớp 1 chưa thể nhớ được hết cách đánh vần bảng chữ cái tiếng Việt
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở hầu hết trẻ em khi mới bắt đầu tập đọc. Trẻ không thể ghép vần và đọc hoàn chỉnh một từ, một câu văn nếu không nhớ cách đọc các chữ cái cơ bản nhất.
Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách thường xuyên ôn lại bảng chữ cái tiếng Việt cho con. Với những bé chưa thuộc được 29 chữ cái cơ bản này, có một số mẹo cha mẹ nên tham khảo qua bài viết dạy bé tập đọc bảng chữ cái.
1.2. Trẻ không hiểu nguyên tắc đánh vần các âm đơn, từ đơn trong tiếng Việt
Trước đây, trẻ thường tập nói bằng cách bắt chước theo cách đọc của người lớn. Nhưng khi bước vào lớp 1, con phải tự đánh vần từng chữ cái để có thể đọc được.
Hơn nữa, cách ghép vần trong tiếng Việt vô cùng nhiều và đa dạng, khiến trẻ chưa hiểu được quy luật, nguyên tắc đánh vần một từ như thế nào. Điều này khiến con bối rối mỗi khi thấy một từ mới và chưa biết nên đọc thế nào cho đúng.
Cha mẹ nên kiên nhẫn đối với vấn đề này của con, bắt đầu hướng dẫn con đọc theo quy trình từ cách đánh vần từng nguyên âm, phụ âm rồi ghép từ với dấu thanh. Chỉ cần thường xuyên tiếp xúc với nhiều từ khác nhau, con sẽ dần hiểu và đọc được từ dễ dàng.
1.3. Trở ngại tâm lý
Chương trình tập đọc lớp 1 rất khác so với những gì con được học ở mẫu giáo. Điều này khiến bé cảm thấy bỡ ngỡ, chưa quen với việc học đọc, dẫn đến chán nản hoặc lo sợ. Hậu quả là con không thể tập trung để nhớ được mặt chữ, cách đánh vần khi học.
1.4. Trẻ thiếu tập trung khi học
Sự hiếu động và mau chán là điều rất phổ biến ở nhiều trẻ. Biểu hiện ở việc con không ngồi yên một chỗ khi mẹ dạy, hay nhìn ngắm vào những vật xung quanh… Do vậy mà trẻ chỉ học đánh vần theo mẹ nhưng không thật sự chú tâm, khiến con rất mau quên những gì đã học.
1.5. Phương pháp dạy bé tập đọc lớp 1 tại nhà chưa đúng cách
Đây là một nguyên nhân phổ biến mà rất ít khi cha mẹ nhận ra trong quá trình dạy bé lớp 1 tập đọc. Bé sẽ tiếp thu tốt nhất trong môi trường thoải mái, có nhiều trò chơi kích thích trí tuệ, hình ảnh minh họa nhiều màu sắc.
Tuy nhiên, một số phụ huynh sử dụng phương pháp truyền thống khiến trẻ mất hứng thú. Bên cạnh đó là sự nôn nóng thúc ép con phải ghi nhớ nhanh khiến bé áp lực và khó để hiểu bài.
2. Những phương pháp giúp bé tập đọc lớp 1 hiệu quả
Để khắc phục những vấn đề trên khi dạy bé tập đọc lớp 1, reviewgiaoduc gợi ý những phương pháp được chứng minh là có hiệu quả, có lộ trình rõ ràng và rất dễ để áp dụng. Bố mẹ tham khảo và bắt đầu áp dụng ngay.
2.1. Dạy bé lớp 1 tập đọc hiệu quả nhất qua ứng dụng
Học tập đọc tiếng Việt qua ứng dụng là phương pháp dễ dàng, thú vị và khoa học nhất dành cho trẻ. Những bài học trong ứng dụng đã được nghiên cứu bởi những nhà ngôn ngữ hàng đầu.
Hơn nữa, lộ trình dạy bé tập đọc lớp 1 được sắp xếp phù hợp với chương trình học của con. Bố mẹ không phải đau đầu về việc nên dạy con học đọc bắt đầu từ đâu.
Những ứng dụng hỗ trợ học đọc tiếng Việt cho trẻ được nhiều phụ huynh lựa chọn là:
- Monkey: đây là phần mềm được phát triển dành riêng cho trẻ mầm non và lớp 1. Bé tập đọc bằng cách đọc theo mẫu, nghe truyện và tham gia game tương tác để nhớ lâu hơn. Ứng dụng cũng hỗ trợ con ôn tập lại những kiến thức cũ.
- KidsUp: bé tập đọc lớp 1 thông qua các trò chơi tương tác. Những bài học đánh vần trong tiếng Việt cũng được sắp xếp dựa theo trình độ riêng của từng trẻ.
- Trang web luyenthi123.com: các bài học đánh vần được phân chia thành nhiều chủ điểm khác nhau. Lộ trình này giúp bé học một cách dần dần, không nhồi nhét quá nhiều kiến thức. Vì vậy mà con nhớ kiến thức chậm mà chắc hơn.
2.2. Thường xuyên cùng con đọc truyện tranh mỗi ngày
Đây là giải pháp khắc phục tình trạng mất tập trung ở trẻ hiệu quả nhất, giúp con rèn luyện khả năng chú ý. Hình ảnh minh họa bắt mắt cùng nội dung cốt truyện hấp dẫn khiến trẻ hứng thú nghe bố mẹ kể.
Tuy không trực tiếp giúp bé học đọc nhanh chóng nhưng phương pháp này rèn luyện khả năng cảm âm tốt cho con, tránh tình trạng con phát âm sai từ khi tập đọc lớp 1.
Ngoài ra, nếu cảm thấy con mình có khả năng tự đánh vần ở mức cơ bản, bố mẹ hãy khuyến khích con tự cầm cuốn truyện và đọc to lại lần nữa sau khi bố mẹ đọc xong. Điều này tạo động lực để bé tự tin hơn vào khả năng đọc của mình.
2.3. Luyện tập những bài tập đọc lớp 1 cùng con tại nhà
Giải pháp này giúp bé thực hành những kiến thức đã học qua việc học từ ứng dụng. Việc lựa chọn những nội dung bài tập đọc phù hợp với trình độ lớp 1 cũng rất cần thiết để phát huy hiệu quả nhất.
Dưới đây là 5 mẫu bài tập đọc cho bé lớp 1 bố mẹ có thể tham khảo (ngoài ra phụ huynh có thể tìm thêm những bài đọc khác qua mạng internet)
2.4. Kết hợp vừa đọc vừa viết
Phương pháp này bổ trợ nâng cao thêm kỹ năng viết cho trẻ. Bố mẹ có thể mua những cuốn vở tập tô dành cho trẻ lớp 1. Sau đó cùng con đánh vần từ đó và luyện viết theo các nét cho trước.
Cách luyện tập này giảm thiểu tối đa tình trạng học “vẹt” ở trẻ bởi mỗi lần con viết là một lần chữ cái khắc sâu trong trí nhớ của con. Khi trẻ có thể viết được ở mức cơ bản thì phụ huynh khuyến khích con tự viết ra từ mình vừa đọc như một cách để củng cố kiến thức.
3. Tổng kết
Một điều cuối cùng bố mẹ cần lưu ý khi dạy bé tập đọc lớp 1 là hãy kiên nhẫn cùng trẻ học từng bước 1, nhẹ nhàng khi con đọc sai và đừng tạo quá nhiều áp lực cho con khi con nhỏ. Phụ huynh có thể lựa chọn những giải pháp gợi ý ở trên để áp dụng dạy con tại nhà. Một môi trường thoải mái sẽ tạo điều kiện tốt nhất để con học đọc hiệu quả.
Nếu bé có những biểu hiện của việc chậm nói, khó nhớ được mặt chữ dù đã cố gắng thử rất nhiều cách, cha mẹ tham khảo thêm về Hội chứng khó đọc ở trẻ để tìm ra cách giải quyết.