Nhiều ba mẹ quan tâm đến chủ đề dạy trẻ kỹ năng bảo vệ môi trường. Tuy nhiên không phải ai cũng tìm được phương pháp giáo dục phù hợp, giúp con tự nhận thức và hành động ngay. Thấu hiểu được băn khoăn đó, bài viết dưới đây của BingGo Leaders sẽ đồng hành cùng ba mẹ tìm hiểu một vài những cách dạy con có ý thức bảo vệ môi trường đơn giản và hiệu quả. Ba mẹ cùng đón đọc nhé!
1. Kỹ năng bảo vệ môi trường là gì?
Kỹ năng là điều các con có thể rèn luyện, hình thành thói quen, tư duy thông qua việc học hỏi. Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên như cây cối, không khí, những thứ xung quanh các con.
Như vậy, kỹ năng bảo vệ môi trường chính là việc rèn luyện thói quen, hiểu đúng để bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta. Ví dụ như: trồng cây xanh, không vất rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung, hạn chế sử dụng túi nilon,...
2. Tại sao nên dạy trẻ kỹ năng bảo vệ môi trường từ sớm?
Việc dạy trẻ kỹ năng này từ sớm rất quan trọng bởi:
- Giúp con có nhận thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ: Con có thêm những hiểu biết về môi trường tự nhiên, về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống. Qua đó con sẽ tự có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của con người.
- Con đến gần hơn, hiểu về môi trường tự nhiên và cuộc sống: Càng tìm hiểu về môi trường, con càng thêm yêu quý, gắn kết hơn với thiên nhiên và cuộc sống. Con dần biết cách bảo vệ môi trường, chung tay bảo vệ hành tinh ngày một “xanh- sạch- đẹp và an toàn”
3. Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ môi trường - 4 việc làm nhỏ ba mẹ nên áp dụng
3.1 Tiết kiệm điện và nước
Trong quá trình tạo ra nguồn điện và nước sạch để sử dụng, một số nguồn tài nguyên thiên nhiên (như nước, than đá, dầu khí,.. ) cần phải được khai thác. Quá trình này cũng có thể tạo ra khí thải (ví dụ như khí thải nhiệt điện), và điều này làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta. Chẳng hạn như ô nhiễm không khí, thậm chí là những vấn đề cấp thiết hơn là hiệu ứng nhà kính, Trái Đất đang dần nóng lên,...
Chính vì vậy việc tiết kiệm điện năng và nước cũng góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Ba mẹ có thể giáo dục, dạy con tiết kiệm bằng chính hoạt động thiết thực như:
- Con nhớ tắt đèn, quạt, tivi… khi không sử dụng nữa.
- Sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí. Ví dụ như khi rửa tay, con nhớ tắt nước trong quá trình xoa tay, rửa với xà phòng. Tránh việc để vòi nước vẫn chảy liên tục, sẽ rất lãng phí.
- Luôn ưu tiên sử dụng ánh sáng và không khí, gió mát từ tự nhiên thay vì bật đèn chiếu sáng hay điều hòa. Con có thể mở cửa sổ vào ngày hè trời mát, có gió hoặc đón ánh nắng vào phòng thay vì bật điện hay sử dụng quạt, máy lạnh…
3.2. Giữ gìn vệ sinh xung quanh và không vứt rác bừa bãi
Nếu rác bị vứt bừa bãi, không đúng nơi đúng chỗ có thể gây mất cảnh quan. Hoặc nếu rác không được phân loại và xử lý kịp thời tạo điều kiện có vi khuẩn sinh sôi, thậm chí là mùi hôi ẩm mốc rất khó chịu. Điều này có thể gây ảnh hưởng chất lượng không khí, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Do đó, ngay từ nhỏ, ba mẹ nên giúp các con nhận thức về điều này và có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Hãy bắt đầu bằng hành động cụ thể hàng ngày như phân loại rác, vứt rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung giữ gìn vệ sinh chung ở trường, ở lớp và ở nhà.
3.3. Ưu tiên sử dụng đồ dùng có nguồn gốc tự nhiên, lành tính
Thay vì sử dụng các sản phẩm nhân tạo, ba mẹ hãy hướng bé ưu tiên lựa chọn đồ dùng tự nhiên, lành tính. Đặc điểm chung của những món đồ này chính là bảng thành phần thuần tự nhiên (hoặc có nguồn gốc tự nhiên), có thể tái sử dụng, an toàn và quá trình phân hủy ít gây hại đến môi trường xung quanh.
Ban đầu, ba mẹ hãy cho con nhận biết và tập quen với những món đồ tự nhiên. Ví dụ như hộp bút, giỏ xách bằng tre, nứa, được đan tay thủ công thay vì các sản phẩm từ nhựa hay nilon. Hoặc những chiếc cốc trẻ, bút viết bằng gỗ, ống hút tre…Đây đều là những đồ dùng rất gần gũi với con, vừa xinh xắn an toàn lại thân thiện với môi trường.
3.4. Biết tái chế và yêu thiên nhiên
Những vật dùng từ túi ni-lông, nhựa, plastic,..cần hàng nghìn năm để phân hủy. Hơn nữa quy trình sản xuất các chất này cần lượng lớn nguyên liệu là dầu khí, phẩm màu và các hóa chất hóa học khác có thể gây hại cho môi trường.
Ví vậy, thay vì thải ra ngoài môi trường, ba mẹ hãy cùng con sáng tạo và tái chế lại thành những món đồ hữu ích nhé. Ví dụ như những chiếc chai nhựa, con có thể sáng tạo thành lọ hoa, túi xách, hộp bút hay món đồ trang trí nào đó. Ba mẹ hãy để con được tự do và thỏa sức sáng tạo, vừa học vừa chơi nhé.
Ngoài ra, ba mẹ hãy giúp con nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên, qua đó con sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Rất dễ! Chỉ cần thông qua các hoạt động như trồng cây, trồng rau, chăm bẵm chúng lớn lên mỗi ngày sẽ khiến con cảm thấy thích thú và say mê.
4. 3 điều cần lưu ý khi dạy trẻ kỹ năng bảo vệ môi trường
Ở từng độ tuổi khác nhau thì tư duy, khả năng tiếp nhận về ý thức bảo vệ môi trường của trẻ cũng có những sự thay đổi nhất định. Để hình thành thói quen, kỹ năng bảo vệ môi trường cho bé, ba mẹ cần lưu ý 3 điều sau đây:
- Ba mẹ chính là tấm gương sáng cho bé: Trẻ nhỏ thường có xu hướng bắt chước và bị ảnh hưởng bởi thói quen, cách sinh hoạt xử sự của người lớn. Chính vì thế ba mẹ hãy luôn làm gương, có ý thức bảo vệ môi trường để con làm theo nhé.
- Ba mẹ tạo điều kiện để con tham gia vào chương trình ngoại khóa, hoạt động bảo vệ môi trường: Hãy bắt đầu từ những hoạt động gần gũi với con trẻ, ví dụ như tái chế nguyên liệu, làm sạch đường phố, bãi biển, trồng cây xanh… tùy theo từng độ tuổi. Thông qua các hoạt động con có thêm cơ hội để thể hiện tình yêu với môi trường xung quanh.
- Luôn luôn động viên và tặng con những món quà nhỏ khi con làm tốt: Để trẻ nhận thức được việc bảo vệ môi trường là điều làm tốt, ba mẹ nhớ động viên, dành lời khen và tặng quà cho con nhé. Những chậu cây nhỏ xinh sẽ là món quà ý nghĩa và thiết thực, động viên con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống.
5. Lời kết
Theo dõi bài viết trên đây, ba mẹ có ngay những chia sẻ hữu ích về cách dạy trẻ kỹ năng bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ rồi. Môi trường sống luôn luôn ở xung quanh con, việc bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống trong lành và tươi xanh hơn.
Bên cạnh đó, ba mẹ còn có thể tham khảo thêm nhiều bài học bổ ích khác như dạy trẻ an toàn khi ở nhà một mình hay giáo dục con cách tự bảo vệ bản thân.