Nhắc nhở con học hàng ngày là chuyện thường xuyên xảy ra trong mỗi gia đình. Các con mải vui chơi mà quên việc học khiến phụ huynh lo lắng và tìm nhiều biện pháp giúp con chủ động hơn trong học tập.
1. Vì sao con chưa chủ động học tập?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc một bạn nhỏ chưa chú tâm và để ý tới việc học tập. Hãy cùng BingGo Leaders điểm qua nhé!
1.1 Con chưa thực sự hứng thú với việc học
Các bé bắt đầu đi học lúc 6 tuổi. Xét về góc độ tâm lý, các con vẫn là những bạn nhỏ cần được vui chơi và khám phá nhiều hơn. Việc học đối với con là điều lạ lẫm và có phần kém thú vị hơn bởi con sẽ cần vào nề nếp, kỷ luật.
Các bé luôn muốn được thoải mái, tự do làm điều mình thích. Đi học khiến các con cảm thấy bị gò bó và không cảm thấy hứng thú nếu việc học trên lớp nhàm chán.
Con sẽ học chống đối và không quan trọng việc học. Nếu bố mẹ không động viên, khuyến khích bé đúng cách, kết quả học tập của con sẽ bị ảnh hưởng.
1.2 Con ham chơi
Ham chơi là điều bình thường ở trẻ em. Tuy nhiên bố mẹ cần định hướng và dạy con cách sắp xếp thời gian khoa học để bé vừa học tập vừa vui chơi.
Ngoài việc phải ngồi vào bàn học, xung quanh bé có rất nhiều thứ hấp dẫn khác như: ti vi, điện thoại, các trò chơi, truyện tranh,...
Khi đã yêu thích làm một việc gì đó, bé sẽ tập trung làm rất lâu. Từ đó dẫn tới việc bé quên mất việc học nếu không có sự nhắc nhở của bố mẹ.
1.3 Con không thích bị mắng mỏ
Nhiều lúc bố mẹ cảm thấy con quá bướng bỉnh, con quá ham chơi mà mắng con. Đó là điều mà khi được nhắc tới, phụ huynh nào cũng sẽ thừa nhận.
Khi được bố mẹ nhắc nhở, vì sợ bố mẹ bé sẽ làm theo và ngồi vào bàn học. Ấy vậy, con sẽ học với tâm lý chống đối và học cho xong. Khi thường xuyên bị nhắc nhở và la mắng, con sẽ học tập một cách thụ động và không tự mình tìm kiếm những bài học mới.
2. Chủ động học tập sẽ là như thế nào?
Việc chủ động học tập là khi con tự giác với việc học, bố mẹ không cần phải nhắc nhở hay thúc giục. Con chủ động làm các công việc phục vụ cho việc học như soạn sách vở, lên thời khoá biểu.
Trong thực tế việc học, con sẽ tự chủ động tìm ra những cách làm bài mới. Con tự tìm tòi, sáng tạo và nghiên cứu tài liệu hiệu quả hơn. Tự con sẽ cảm thấy hứng thú và chú tâm vào việc học tập và tiến bộ mỗi ngày.
Sự chủ động trong học tập không chỉ giúp kết quả đạt được như kỳ vọng mà còn giúp con hình thành tính tự học. Tự học là kỹ năng cần thiết cho bất kỳ công việc nào. Khi con có thể tự học, con sẽ đúc kết bài học nhanh chóng và mở rộng kiến thức.
Học tập một cách chủ động còn giúp con phát huy tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ năng tự làm chủ.
3. Giúp con chủ động học tập bằng cách nào?
Để tạo động lực giúp con chủ động hơn trong học tập, bố mẹ hãy cho con thấy được sự thú vị của việc học và tìm cho con môi trường học tập kích thích tình chủ động.
3.1 Tạo niềm vui trong học tập
Để con dần dần có được sự chủ động trong học tập sau thời gian dài con chán nản, bố mẹ hãy tìm cách để làm mới việc học. Trẻ em rất hứng thú với những điều vui vẻ, khi đó con sẽ thấy thích và coi việc học là hoạt động tạo ra niềm vui cho con.
Bố mẹ hãy giúp con cười nhiều hơn, tránh không khí nặng nề khi con học tập. Phụ huynh hãy tận dụng những tài nguyên có sẵn trên mạng để các bài học trở nên màu sắc và sinh động hơn.
Nếu có nhiều thời gian và tỉ mỉ, bố mẹ có thể tạo ra các mô hình trực quan về bài học giúp con tò mò, hứng thú với việc học hơn. Các mô hình bài học có thể được làm bằng nguyên liệu thủ công và cả nhà sẽ cùng hoàn thiện nó.
3.2 Tìm kiếm môi trường học tập chủ động
Khi cho trẻ sống trong một tập thể, các bạn khác cùng làm một việc mà con làm ngược lại so với các bạn khác. Con sẽ cảm thấy lạc lõng và khó hoà nhập. Từ đó con dần dần thích nghi và học những thói quen tốt.
Môi trường học kích thích sự chủ động trong học tập của các bé là nơi từng bạn nhỏ ý thức được việc học tập và chủ động hoàn thành việc họ của mình. Tuy nhiên những môi trường kể trên mới chỉ xuất hiện nhiều ở các trường tư thục hoặc quốc tế. Các con sẽ được định hướng cách học tập chủ động ngay từ những ngày đầu tiên.
3.3 Tạo thói quen
Thói quen chủ động sẽ được hình thành khi hàng ngày bé tự giác làm bài tập và ôn lại bài. Việc chủ động cần diễn ra thường xuyên và tạo thành thói quen.
Bố mẹ hãy giúp con điều chỉnh thời gian học bài và giải trí hợp lý. Con vừa có thời gian nghỉ ngơi và vừa tập trung học tập. Ngoài ra, bố mẹ hãy loại bỏ những yếu tố có thể khiến con mất tập trung trong phòng học của con.
Thói quen tự học được hình thành giúp bố mẹ cũng sẽ an tâm hơn khi để con tự sắp xếp việc học và ít phải nhắc nhở.
3.4 Hãy dành lời động viên, hạn chế mắng mỏ
Con trẻ đều ưa thích những lời khen, lời động viên từ bố mẹ. Khi con tiến bộ hơn và làm tốt hơn trong việc chủ động học hàng ngày, hãy dành cho con lời động viên.
Dù sự tiến bộ của con chỉ là một hành động nhỏ như con đã ngồi vào bàn học đúng giờ, con tìm ra thêm một cách giải bài toán mới,... Sự động viên tuy nhỏ nhưng con cảm thấy mình được ghi nhận và là động lực để con hoàn thành tốt hơn.
Khi con chưa hợp tác và làm trái lại bố mẹ, hạn chế dùng những lời lẽ nặng nề mà hãy cho con những lời khuyên và động viên con. Nhiều đứa trẻ khi càng mắng mỏ, con càng trở nên ương bướng và không chịu nghe lời hơn.
4. Lời kết
Con chủ động học tập một phần phụ thuộc vào tính cách và động lực của chính bản thân con. Việc học là vô cùng quan trọng đối với mỗi đứa trẻ song không nên ép buộc mà hãy đưa ra những biện pháp uốn nắn phù hợp.