Chuẩn bị cho bé vào lớp 1 là điều phụ huynh quan tâm ngay khi con học mẫu giáo. Từ việc hàng ngày chỉ vui chơi, các bé bắt đầu có thêm hoạt động mới đó là học tập nhiều hơn. Phụ huynh cảm thấy vất vả hơn khi con vào lớp 1 bởi con chưa quen với việc tập trung. Để giải tỏa lo toan cho phụ huynh và chuẩn bị tốt cho con vào lớp 1, bố mẹ hãy tham khảo những gợi ý sau nhé.
1. Bao la nỗi lo khi chuẩn bị cho bé vào lớp 1
Ngày nay, các bé đã có thể tới các trường mầm non và tiếp xúc với môi trường học tập ngay từ khi 1,5 tuổi. Các trường mầm non sẽ dạy các bé chủ yếu về kỹ năng mềm. Lớp 1 là giai đoạn bé bắt đầu học về kiến thức.
Chuẩn bị cho bé vào lớp 1 cũng là nỗi lo của nhiều phụ huynh thời 4.0.
1.1. Con bất hợp tác
Sự thay đổi về môi trường học tập và cấp độ kiến thức khiến nhiều bé không kịp thích nghi và có những phản ứng không hợp tác. Điều này khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng và không an tâm khi để con ở lớp học. Hơn nữa chương trình học bậc tiểu học cũng có nhiều thay đổi qua mỗi năm cũng là điều làm phụ huynh cảm thấy đau đầu.
Tùy vào tính cách của từng bé mà việc tập trung ngồi học chữ, viết chữ trong tiết học 45 phút là một quá trình kiên trì. Với những bé không chịu hợp tác, khó tập trung cùng với khối kiến thức tiểu học lớn, nhiều bé không theo kịp các bạn trong lớp.
1.2. Sách giáo khoa thay đổi
Vấn đề sách giáo khoa thay đổi qua mỗi kỳ cải cách luôn là điều phụ huynh quan tâm. Với mỗi chương trình học khác nhau, phụ huynh khó có thể kèm con học ở nhà khi phương pháp của bố mẹ không giống với cách dạy và cách tính điểm của chương trình hiện hành.
1.3. Đi học sớm trước khi vào lớp 1
Việc cho các bé đi học các lớp ‘tiền tiểu học' từ lâu đã không còn xa lạ đối với nhiều thế hệ. Cho bé đi học trước giúp con nhận thức và làm quen dần với việc học.
Khi tham gia các lớp tiền tiểu học, các bé sẽ được rèn những kỹ năng cơ bản như viết chữ và đánh vần. Việc học trước giúp các bé giảm bớt sự sợ sệt, bỡ ngỡ khi đến lớp nhưng cũng là vấn đề bố mẹ lo lắng.
Nhiều phụ huynh có quan điểm không cần cho bé đi học trước, đến đúng tuổi đến lớp con sẽ được cô giáo dạy hết những kỹ năng đó. Tuy nhiên cũng có nhiều phụ huynh cho rằng nếu không cho bé đi học tiền tiểu học, con có thể học chậm và tụt lùi hơn so với các bạn cùng lớp.
2. Chuẩn bị cho con vào lớp 1
Hành trình cho bé vào lớp 1 sẽ dễ dàng hơn nếu phụ huynh có sự chuẩn bị càng sớm càng tốt. Bé học tốt ngay từ những năm tháng đầu tiên sẽ là sự khởi đầu tốt cho bé và gia đình trên những hành trình tri thức dài hơi sau này.
2.1. Tâm lý cho bé
Tâm lý của trẻ quyết định tới 40% hiệu quả học tập của bé. Bé đi học với tâm lý tốt, con hứng thú việc học tập. Các bé đi học lớp 1 khi chưa có sự chuẩn bị cả về tâm lý sẽ trở nên nhút nhát hoặc hiếu động khó tập trung.
Trước khi tiếp xúc với môi trường mới, bố mẹ hãy chuẩn bị tâm lý cho bé bằng việc trò chuyện cùng con về trường học. Bố mẹ không nên hù dọa bé mà hãy cho bé thấy đi học có những niềm vui gì.
Trẻ luôn tò mò và hứng thú với các câu chuyện. Bố mẹ hãy kể cho bé những điều vui vẻ bé sẽ có khi đi học. Trước khi nhập học trường mới, phụ huynh nên cho bé đi cùng để con quen với không gian và tự bé khám phá.
2.2. Các kỹ năng phục vụ và đảm bảo việc học hiệu quả
Đi học tiểu học, các bé sẽ trở nên tự giác hơn để thích nghi với việc học nhiều hơn. Ở cấp mầm non, các bé được học các kỹ năng mềm để tự mình làm những việc cá nhân. Chuẩn bị cho bé vào lớp 1, con sẽ cần thêm một số kỹ năng mới để phục vụ việc học tốt hơn.
- Kỹ năng tập trung
Trẻ nhỏ thường hiếu động và khó có thể tập trung cho việc học. Các con luôn có xu hướng không thể ngồi yên một chỗ quá lâu. Học lớp 1, các con sẽ phải làm quen với việc học chữ viết, học tập đọc,...
Để rèn luyện sự tập trung cho bé, phụ huynh hãy tập cho bé hàng ngày bằng cách giành thời gian ngồi vào bàn học 30 phút và tăng dần mỗi ngày. Mỗi lúc ngồi vào bàn học, bố mẹ hãy chỉ con học 1 bài học nhỏ, không quá khó.
Mục tiêu là giúp bé rèn luyện sự tập trung nên sau khi hoàn thành buổi học, hãy khích lệ bé bằng lời khen hay một phần thưởng nhỏ xứng đáng.
- Kỹ năng tự lập
Bé học lớp 1 sẽ có thời gian đi học nhiều hơn, phải dậy sớm hơn. Việc tập cho bé tính kỷ luật và tự lập giúp con chủ động hơn và phụ huynh cũng nhàn hơn.
Bé tự lập là khi có chuông báo thức, con tự giác dậy đánh răng rửa mặt, thay đồng phục đi học. Bố mẹ sẽ không phải thúc giục quá nhiều. Đôi khi phụ huynh sẽ có việc bận rộn và bé không nghe lời sẽ dễ khiến bố mẹ trở nên nóng giận.
Sự tự lập và kỷ luật còn giúp bé tự giác hơn trong việc tự học. Phụ huynh sẽ ít khi phải nhắc nhở bé học bài.
- Tính kiên nhẫn
Cùng với sự tự lập, kỷ luật và tự giác thì rèn luyện tính kiên nhẫn giúp bé đạt kết quả tốt hơn trong học tập. Nhiều trẻ rất thông minh nhưng vì còn mải chơi nên các con không quan trọng việc làm bài tập về nhà.
Tính kiên nhẫn giúp bé giải quyết từng bài toán, bài tập được giao và phát huy khả năng tư duy của bé. Rèn luyện tính kiên nhẫn cho bé từ các hoạt động nhỏ hàng ngày như trò chơi gấp giấy, sắp xếp quần áo hay chơi trò gắp đậu,...
2.3. Sách vở, đồ dùng học tập
Đảm bảo việc học của bé được tốt nhất, phụ huynh hãy chuẩn bị đầy đủ sách vở và đồ dùng học tập cho bé. Những món đồ cần thiết giúp ích trong việc học của bé cần có là:
- Sách giáo khoa, sách bài tập
- Vở viết với dòng kẻ ô ly: 4 hoặc 5 ly
- Bút mực hoặc bút chì
- Thước kẻ
- Bộ bút màu
- Giấy nháp, giấy kiểm tra
- Đồng phục, cặp sách
Ngoài ra, phụ huynh nếu có điều kiện hãy nên chuẩn bị cho bé một chiếc laptop hoặc máy tính để con học thêm những tư liệu trực quan trên mạng. Học trên máy tính cũng giúp bé nhanh nhạy hơn với công nghệ.
3. Lời kết
Học lớp 1 là trải nghiệm đầu đời đáng nhớ đối với các bé. Chuẩn bị cho bé vào lớp 1 thật tốt là điều mọi phụ huynh quan tâm. Bố mẹ sẽ bớt lo lắng nếu có phương án chuẩn bị tốt cho bé trước ngưỡng cửa quan trọng này.