Tết trung thu luôn được coi là ngày Tết lớn thứ 2 trong năm dành cho trẻ em, là ngày người người đoàn tụ, sum họp bên gia đình, cùng thưởng thức những chiếc bánh thơm ngon.
Thế nhưng nguồn gốc và những sự tích cổ truyền về các phong tục của Tết trung thu không phải ai cũng biết. Hãy cùng BingGo Leaders giải mã những sự thật thú vị về ngày lễ này nhé.
1. Những thông tin cần biết về Tết trung thu
1.1. Nguồn gốc và sự tích tết trung thu
Có rất nhiều tương truyền về nguồn gốc của Tết trung thu xuất phát từ Trung Quốc hoặc ở Việt Nam. Tuy nhiên ở mỗi nơi thì sự tích và ý nghĩa của ngày này rất khác nhau.
Sự tích về chuyến dạo chơi cung trăng ngày rằm tháng 8 của nhà vua Trung Quốc
Theo truyền thuyết của người dân Trung Hoa, vào một ngày trăng sáng, tròn và đẹp, vua Đường Minh Hoàng đến thăm vườn Ngự Uyển thì được phép lạ của một đạo sĩ đưa lên cung trăng.
Khi lên tới cung trăng, khung cảnh hoa lệ và giọng hát trong trẻo của những tiên nữ ở đây khiến nhà vua mê say đắm. Mải mê thưởng thức đến khi trời sáng, nhà vua phải trở về trần gian nhưng vẫn còn luyến tiếc nơi đây.
Vì quá nhớ nhung khung cảnh tuyệt vời trong đêm trăng, nhà vua đã ra lệnh cứ mỗi năm vào ngày rằm tháng Tám tổ chức tiệc linh đình để vua phi cùng uống rượu, ngắm trăng, nghe ca hát. Từ đó, việc treo đèn lồng và mở tiệc vào Tết trung thu trở thành nét văn hóa của người dân Trung Hoa.
Sự tích về chị Hằng và chú Cuội trên cung trăng tại Việt Nam
Trong văn hóa dân gian người Việt, sự tích Tết trung thu gắn liền với hình ảnh chị Hằng và chú Cuội. Chuyện kể rằng Hằng Nga là một tiên nữ vô cùng xinh đẹp và yêu quý trẻ con. Nàng hay trốn xuống trần gian chơi dù đây là điều không được phép với tiên nữ.
Một ngày nọ, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi làm bánh, chị Hằng bèn xuống trần gian tham khảo. Gặp được Cuội, một cậu bé hay nói dóc nhưng nấu ăn cực giỏi. Cuội bảo chị Hằng chỉ cần trộn tất cả nguyên liệu và nướng lên thành một cái bánh.
Kỳ diệu thay, chiếc bánh nướng lên có mùi thơm phức, em nhỏ nào cũng tấm tắc khen ngon. Thế là chị Hằng mang chiếc bánh này về cung trăng để dự thi. Chiếc bánh của Hằng Nga đã đoạt giải Nhất và đặt tên là “bánh Trung thu”.
1.2. Ý nghĩa của Tết trung thu
Với người dân Việt Nam, Tết trung thu mang ý nghĩa rất riêng biệt. Dưới ánh trăng sáng tỏ, tất cả thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cỗ và thưởng trăng. Trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên của gia đình người Việt.
Bên cạnh đó, với trẻ em, Tết trung thu còn là dịp để bọn trẻ được phá cỗ, rước đèn ông sao và xem múa lân. Đây đều là những ký ức rất đẹp trong tuổi thơ của mỗi đứa trẻ.
Ngoài ra, trong văn hóa dân gian, ngày Tết trung thu còn là dịp để người dân cảm tạ trời đất để cầu mong mùa màng tốt tươi, nhà nhà bình an vượt qua sóng gió.
1.3. Tết trung thu 2022 diễn ra vào ngày nào?
Tết trung thu luôn diễn ra vào ngày rằm tháng Tám âm lịch hằng năm (ngày 15 tháng 8 theo lịch âm). Vào ngày này, dưới ánh trăng sáng tỏ, các gia đình quây quần bên nhau, trẻ em được rước đèn, phá cỗ hoặc được bố mẹ đưa đi xem múa lân.
Vào năm 2022 này, Tết trung thu sẽ diễn ra vào ngày 10 tháng 9 Dương lịch.
2. Một số phong tục cổ truyền trong Tết trung thu và bí mật đằng sau nó
Những phong tục trong ngày Tết trung thu đã trở thành nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt. Phần dưới đây cùng bạn khám phá những ý nghĩa đằng sau mỗi phong tục đó của người Việt.
2.1. Tục rước đèn
Cứ mỗi đêm rằm tháng Tám, bọn trẻ đều háo hức cầm trên tay những chiếc đèn lồng được bố mẹ mua cho để chuẩn bị theo đám bạn đi rước đèn. Những chiếc đèn rực rỡ với nhiều hình dáng khác nhau: đèn ông sao, đèn cá chép, đèn thiên nga…
2.2. Tục ngắm trăng
Trong văn hóa lúa nước của người Việt, ánh trăng rằm có ý nghĩa hết sức to lớn. Người dân ngắm trăng cũng dự đoán về tương lai mùa màng sắp tới. Nếu trăng sáng vằng vặc, năm sau sẽ bội thu. Trăng chuyển màu xanh lục dự báo thiên tai xảy đến. Còn trăng màu cam dự đoán đất nước thái bình, mùa màng tốt tươi.
Hơn nữa, trăng rằm luôn sáng và đẹp nhất, người nông dân cũng vừa qua vụ mùa nên thảnh thơi thưởng trà, tâm sự với gia đình về nhiều điều trong cuộc sống.
2.3. Tục phá cỗ
Mâm cỗ trong ngày Tết trung thu dâng lên tổ tiên để cầu mong mọi điều tốt lành. Một số loại quả đặc trưng trong mâm cỗ là bưởi, chuối và không thể thiếu bánh trung thu. Các mâm cỗ được trang trí, bày biện đẹp mắt khiến các em nhỏ rất thích thú và háo hức được phá cỗ.
2.4. Tục múa lân
Theo dân gian kể lại, có một con lân luôn phá hoại mùa màng, thế nên có một vị thần thổ địa xuống trần gian để thuần hóa con lân này, giúp bà con có cuộc sống bình yên.
Vì vậy, trong mỗi đoàn múa lân đều có ông địa “bụng bự” cầm quạt mo theo sau khoái chí, thể hiện rằng chắc chắn mọi người sẽ được yên ổn, hạnh phúc. Các em nhỏ đặc biệt rất thích xem những màn múa lân này.
2.5. Tục cắt bánh trung thu
Bánh trung thu luôn là “linh hồn” của mỗi đêm rằm tháng Tám. Hình tròn, hình vuông của những chiếc bánh tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Sự đầy đặn của mỗi chiếc bánh hướng đến sự vẹn tròn, ấm no, hạnh phúc.
Hiện nay có rất nhiều loại bánh trung thu từ bánh nướng đến bánh dẻo mà các em nhỏ rất thích. Bố mẹ đã biết hết được tất cả những loại bánh trung thu ngon nhất này chưa?
3. So sánh sự khác nhau giữa Tết trung thu ở Trung Quốc và Việt Nam
Tuy được tổ chức vào ngày rằm tháng Tám nhưng trung thu ở Việt Nam và Trung Quốc đều có những đặc trưng riêng.
3.1. Về ý nghĩa của mặt trăng
Người Việt Nam cho rằng đêm rằm là đêm trăng đẹp nhất, thời tiết tháng Tám cũng mát mẻ, thích hợp cho việc nghỉ ngơi và thưởng trăng, hòa mình với đất trời.
Mặt trăng với người Trung Quốc lại gắn liền với sự phồn sinh, hình ảnh sinh nở của phụ nữ. Vì vậy Tết trung thu cũng là lúc người dân Trung Quốc ghi nhớ công lao sinh thành vị đại của phụ nữ.
3.2. Về tục chơi đèn lồng
Đèn lồng được coi như món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em Việt Nam trong Tết trung thu.
Với người dân Trung Hoa, đèn lồng được treo trước cửa nhà để cầu mong bình an, hạnh phúc đến với gia đình. Một số nơi thả đèn hoa đăng để cầu nguyện. Đặc biệt, người Trung Quốc cũng hay đón trung thu bằng việc thả đèn lồng giấy lên bầu trời.
3.3. Về tục ngắm trăng
Như đã nói ở trên, người Việt ngắm trăng để quây quần bên gia đình, cầu mong mùa màng tốt tươi.
Tại Trung Quốc, đêm trăng rằm còn là dịp để các đôi nam nữ kết duyên với nhau. Vì vậy mà người dân Trung Hoa cũng có một số hoạt động mai mối trong đêm trăng rằm.
4. Những câu chúc Tết trung thu bằng tiếng Anh ý nghĩa
Đêm trăng rằm sẽ trở nên trọn vẹn hơn nếu mọi người dành cho nhau những lời chúc ý nghĩa. Dưới đây là gợi ý những câu chúc Tết trung thu bằng tiếng Anh (cả phiên dịch) ấm áp nhất dành cho mọi đối tượng.
5. Tổng kết
Tết trung thu luôn là một nét đẹp văn hóa của người Việt vào mỗi đêm trăng rằm. Tết trung thu này các bố mẹ đã có kế hoạch gì chưa? Hãy mua cho các bé những chiếc bánh trung thu thơm ngon, bật những bài hát trung thu vui nhộn nhất và cùng thưởng thức đêm trung thu ý nghĩa nhé.