5 tuổi là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Con đang ở năm cuối cùng của tuổi mẫu giáo và chuẩn bị bước vào môi trường tiểu học. Khả năng và tính cách của trẻ tại thời điểm này có nhiều điểm ba mẹ cần lưu tâm.
Bài viết giúp ba mẹ giải mã những tính cách, khả năng của trẻ 5 tuổi để hiểu con hơn, giúp con phát triển hết tiềm năng của mình.
1. 5 tính cách đặc trưng của trẻ 5 tuổi
Tính cách của trẻ 5 tuổi thường chưa được bộc lộ một cách rõ ràng qua giao tiếp và các hoạt động hàng ngày. Bố mẹ phải thường xuyên quan sát trẻ trong nhiều trường hợp mới biết được xu hướng tính cách của con lúc này.
Các nhà tâm lý học phát triển chỉ ra 5 đặc điểm tính cách của hầu hết trẻ lên 5 nói chung như sau:
1.1. Trẻ 5 tuổi thích được khen ngợi và nhận quà
Đây là một trong những động cơ lớn trong mọi hoạt động của trẻ lên 5. Trước một yêu cầu của bố mẹ, trẻ vô cùng hào hứng nếu sau khi làm xong sẽ nhận được phần thưởng nào đó. Những lời khen ngợi cũng tạo động lực rất lớn để lặp lại những hành vi có ích về sau.
1.2. Kiểm soát khá tốt cảm xúc của bản thân
So với những tính cách, khả năng của trẻ 2 tuổi, cảm xúc ở trẻ 5 tuổi ổn định hơn rất nhiều. Cũng nhờ điều này, con rất dễ bày tỏ tình yêu thương với bố mẹ, ông bà qua lời nói như “con yêu mẹ nhất”.
Đặc biệt, trẻ có thể dự đoán được những cảm xúc nào sẽ xuất hiện nếu thực hiện một hành động cụ thể. Ví dụ, nếu mặc chiếc váy này mọi người sẽ khen xinh, nếu nói chuyện trong lớp sẽ bị cô mắng, nếu hát cho mẹ nghe, mẹ sẽ rất vui…
Nếu trước kia con luôn hành động một cách bộc phát thì bây giờ việc hình dung trước kết quả của hành động giúp con biết trước cảm xúc của mình và người khác như thế nào. Từ đó điều chỉnh hành vi của mình theo hướng hợp lí.
1.3. Bày tỏ sự yêu, ghét rõ ràng
Khi nhận thức đã phát triển tốt hơn, trẻ 5 tuổi đã có khả năng suy ngẫm về những việc xảy ra. Trẻ tích cực tìm hiểu sự vật, hiện tượng xung quanh và tỏ thái độ của mình bằng cảm xúc thích hoặc không thích, yêu, ghét rõ ràng.
Trẻ 5 tuổi đã phần nào nhận thức được hành vi nào là đáng khen, đáng chê như lời mẹ dạy và bày tỏ chính kiến của mình một cách mạnh mẽ.
1.4. Tự đánh giá cao về bản thân
Việc tự đánh giá về năng lực của bản thân trẻ bắt nguồn từ cách người lớn đánh giá con như thế nào. Nhìn chung, khi 5 tuổi, trẻ hay có xu hướng “thổi phồng sự thật”. Con thường hay nói mình có thể làm những việc như siêu nhân bảo vệ thế giới.
Việc đánh giá cao về bản thân giúp con tự tin tham gia các hoạt động một cách tích cực, không lưỡng lự hay sợ sệt.
Theo nhà tâm lý học Erikson, đây là mục tiêu quan trọng nhất của tuổi lên 5. Nếu không trẻ sẽ hình thành cảm giác tội lỗi, nghi ngờ bản thân và thiếu sự chủ động sau này.
1.5. Hòa nhã với bạn bè
Khi 5 tuổi, trẻ rất thích giao lưu với các bạn ở lớp mẫu giáo. Trẻ thích nói chuyện và chơi đùa nhiều hơn với bạn bè. Nếu được các bạn quý mến, tình cảm bạn bè của con sẽ rất tích cực và trẻ rất ít có những biểu hiện gây gổ, chống đối trong lớp.
2. Những khả năng nổi bật khi trẻ lên 5
Nhiều bố mẹ Việt Nam có xu hướng coi trẻ mẫu giáo vẫn còn quá nhỏ bé, chưa hiểu biết nhiều nên bao bọc con thái quá. Nhưng thực tế, 5 tuổi con đã có những khả năng tiềm ẩn mà nếu biết trẻ sẽ rất phát triển về sau.
2.1. Trí tưởng tượng bay bổng
Hầu hết bố mẹ đều bất ngờ và có đôi chút lo lắng về khả năng này ở trẻ. Trí tưởng tượng biểu hiện thông qua các trò chơi đóng vai của trẻ 5 tuổi.
Trẻ có thể hóa thân thành bất kỳ ai (bố, mẹ, siêu nhân, chú cảnh sát, bác sĩ, cô giáo…) rất nhập vai. Con cũng có thể dùng bất cứ đồ vật gì để biến thành đồ chơi cho mình (cây đũa làm vũ khí, con gấu bông thành em bé…)
Việc tưởng tượng và bịa ra các câu chuyện không có thật kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo vô tận cho trẻ sau này.
2.2. Ngôn ngữ phát triển vượt bậc
Đây là khả năng nổi trội nhất ba mẹ nên nắm bắt để giúp con phát huy tối đa khả năng ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ hàng đầu đều cho rằng 3-5 tuổi là thời kỳ “vàng” để con tiếp thu tốt ngôn ngữ mẹ đẻ lẫn ngoại ngữ.
Ở tuổi thứ 5, trẻ hầu như đã nắm vững các khía cạnh của tiếng mẹ đẻ như từ vựng, ngữ âm. Con đã sử dụng đa dạng từ vựng để diễn đạt đúng những gì mình nói mà không gặp bất kỳ rào cản nào.
Dựa vào khả năng này, bố mẹ nên đầu tư cho bé học tiếng Anh từ sớm, qua giai đoạn này thì tốc độ ghi nhớ từ vựng và khả năng phát âm chuẩn như người bản ngữ phần nào giảm đi.
2.3. Nhận thức và hành vi theo chuẩn mực xã hội
Bố mẹ nào cũng muốn con trở thành những đứa trẻ cư xử đúng mực. Đến khi trẻ 5 tuổi, bố mẹ hoàn toàn có thể yên tâm về điều này vì con đã phần nào hiểu được và có ý thức lĩnh hội các giá trị đạo đức và chuẩn mực xã hội.
Ví dụ, khi thấy các bạn vẽ bậy lên tường, con sẽ can ngăn “Không được vẽ bậy lên tường” đồng thời con cũng tự kiềm chế mình không được làm điều đó dù rất thích. Hoặc nếu thấy bạn giành giật đồ chơi của bạn khác sẽ mách cô và chỉ trích bạn làm sai.
Điều này phản ánh rằng trẻ tiếp thu lời chỉ dạy của người lớn trong việc xuy xét điều gì đúng, điều gì sai để hành xử một cách đúng mực.
3. Bố mẹ có thể làm gì với những tính cách, khả năng của trẻ 5 tuổi?
Thứ nhất, bố mẹ nên khuyến khích và tạo điều kiện cho con được tự chủ trong các hoạt động con muốn. Đây là nhiệm vụ quan trọng con cần vượt qua để thành công sau này.
Nếu ngăn chặn mong muốn được tự chủ hoặc tự hoàn thiện kỹ năng nào đó của trẻ thì con khó lòng có khả năng làm một việc gì đó một cách độc lập, trở thành đứa trẻ thụ động.
Thứ hai, các bậc phụ huynh nên nhìn nhận và đánh giá khả năng của trẻ theo hướng tích cực bằng sự khích lệ. Điều này sẽ giúp con hình thành lòng tự cao và là cơ sở để nhìn nhận tích cực về bản thân mình.
Thứ ba, đầu tư phát triển ngôn ngữ cho trẻ, nhất là tiếng Anh trong giai đoạn này để rèn luyện khả năng phát âm và phản xạ chuẩn xác nhất cho bé.
Thứ tư, khuyến khích con tham gia nhiều hoạt động thể chất để vận động linh hoạt hơn; tạo không gian cho trẻ thỏa sức bay bổng trong trí tưởng tượng của mình.
4. Tổng kết
Trẻ chỉ có thể tự tin tỏa sáng hết tiềm năng của mình nếu được ba mẹ thấu hiểu rõ những tính cách, khả năng của trẻ 5 tuổi. Từ những thông tin hữu ích mà bài viết chia sẻ, chúng tôi mong rằng nó sẽ giúp bố mẹ thành công trong việc nuôi dạy con.