Bất cứ giai đoạn phát triển nào của trẻ đều có ý nghĩa rất lớn đến sự hình thành nhân cách sau này của con. Giai đoạn 2 tuổi là thời gian trẻ có nhiều thay đổi lớn về nhận thức, hành vi và cảm xúc khiến không ít bố mẹ ngỡ ngàng.
Bố mẹ hãy tìm hiểu về những tính cách, khả năng của trẻ 2 tuổi qua bài viết sau đây để cùng con đi qua giai đoạn này một cách êm đềm nhất.
1. Những đặc điểm tính cách nổi bật của trẻ 2 tuổi
Những biểu hiện tính cách của trẻ lên 2 không phải xuất hiện lúc trẻ tròn 2 tuổi mà dần dần hình thành từ 18 đến 30 tháng. Khi đó, ở trẻ có những biểu hiện nổi bật như:
1.1. Tính bắt chước, học theo người khác
Đây là tính cách đặc trưng của trẻ từ 1-3 tuổi thông qua trò chơi chủ đạo bắt chước. Con sẽ bắt chước nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của mọi người xung quanh, nhất là hành động bố mẹ yêu cầu.
Chẳng hạn như, muốn xin bánh kẹo, đồ chơi thì phải khoanh tay nói “Ạ”; bắt chước bố mẹ tự rửa tay… Đặc biệt là trẻ rất thích quan sát và đóng vai diễn y hệt những gì người lớn hay nói. Ví dụ, đóng vai người mẹ chăm sóc con khi chơi búp bê, mô tả lại giọng tức giận của bố khi ai đó không nghe lời…
Đặc điểm tính cách này rất có ích để con đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu hơn về vai trò của họ. Tuy nhiên, bố mẹ cũng lưu ý tránh thực hiện những hành vi thiếu chuẩn mực, trẻ sẽ bắt chước và học theo rất nhanh.
1.2. Thích học hỏi và khám phá môi trường xung quanh
Khi đã biết đi và không còn phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ, thế giới xung quanh trong mắt trẻ chứa vô vàn điều thú vị. Thông qua các trò chơi, trẻ rất muốn khám phá xem liệu đồ vật đó có đặc điểm, tính chất gì.
Ví dụ, con hay tìm kiếm, lục lọi đồ đạc; hay ném một đồ chơi để biết nó có vỡ hay không… Những hành động như thế giúp phát triển tư duy về kích thước, hình dáng, tính chất của sự vật, hiện tượng. Từ đó, trẻ có thêm hiểu biết về thế giới xung quanh mình.
1.3. Muốn được tự làm mọi việc để thể hiện bản thân
Lý thuyết Các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội nổi tiếng Erikson cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của trẻ 2 tuổi là phát triển khả năng độc lập tự chủ để hình thành sự tự tin ở trẻ.
Nếu không hoàn thành được mục tiêu này, con sẽ cảm thấy xấu hổ và nghi ngờ năng lực của chính bản thân mình, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý về sau. Do vậy, mong muốn được thể hiện bản thân là đặc điểm tính cách quan trọng nhất của trẻ lúc lên 2.
Trẻ thường truyền đạt nhu cầu độc lập tự chủ qua những biểu hiện nổi bật như:
- Muốn tự chọn quần áo có màu sắc, họa tiết con yêu thích.
- Đòi ăn những món của bố mẹ, anh chị thay vì món bố mẹ chuẩn bị cho mình.
- Hay đòi làm những việc khó khăn ở độ tuổi của con như tranh quét nhà, sắp xếp đồ đạc…
- Cương quyết làm những việc bố mẹ không cho phép làm.
- Đôi khi đòi hỏi bố mẹ phải đáp ứng bằng được mọi yêu cầu của mình
Đôi khi bố mẹ cảm thấy con như vậy là không ngoan. Nhưng dưới góc nhìn của bé, con chỉ nhìn nhận thế giới dựa trên nhu cầu và mong muốn của mình mà không thể cân nhắc tính đúng sai.
Những lúc như vậy, cha mẹ khoan vội ngăn cản hay cấm đoán mà tạo cho con môi trường an toàn để tự do khám phá và được làm những điều con muốn.
1.4. Biểu hiện khủng hoảng về mặt cảm xúc
Trẻ lên 2 thường xuất hiện những cảm xúc khó chịu như giận dữ đi kèm với những hành vi giãy dụa, khóc nức nở hoặc thậm chí ném đồ đạc. Đôi khi cảm xúc con cũng thay đổi đột ngột, thất thường từ vui vẻ sang buồn bã, cáu giận…
Nguyên nhân của sự bùng nổ cảm xúc là vì con gặp khó khăn trong việc thực hiện nhu cầu độc lập, tự chủ của mình. Bé muốn tự làm mọi việc nhưng khả năng còn chưa đủ.
Hoặc con muốn kiểm tra những kỹ năng mới của mình đã thành thạo chưa như tự mặc quần áo, tự sang đường… nhưng bố mẹ chưa hiểu mà trợ giúp con. Điều này khiến trẻ khó chịu và phản đối sự giúp đỡ của bố mẹ.
2. Một số khả năng nổi trội biểu hiện ở trẻ 2 tuổi
Giai đoạn 2 tuổi cũng là lúc trẻ có nhiều phát triển nổi bật về nhiều khía cạnh khác nhau từ tư duy tưởng tượng, khả năng vận động đến các kỹ năng cảm xúc, tương tác xã hội.
2.1. Các kỹ năng vận động của trẻ linh hoạt hơn
Khi lên 2 tuổi, con đã biết phối hợp các động tác vận động để thực hiện những điều con muốn và kiểm tra năng lực của chính mình. Biểu hiện cụ thể ở việc:
- Vận động thô ngày càng thành thạo: bé có đủ khả năng để thực hiện các hành động cơ bản (chạy nhảy, bắt chụp, ném bóng, đá chân, lên xuống cầu thang chậm rãi, giữ thăng bằng 1 chân, kéo một đồ vật hoặc kiễng chân lên để lấy đồ…).
- Vận động linh hoạt hơn: trẻ dần quen với các hành động đòi hỏi sự khéo léo như dùng bút chì để vẽ, tô màu, mở nắp chai, cầm thìa khi ăn, đóng mở ngăn kéo…
2.2. Trẻ phát triển tư duy và khả năng sử dụng ngôn ngữ
Khoảng 18-24 tháng tuổi, con có thể hiểu được ý nghĩa trong lời nói của bố mẹ. Trẻ cũng mở rộng vốn từ của mình lên khoảng 100 từ mới. Con sử dụng kết hợp 2-3 từ đơn để truyền đạt ý mình muốn nói.
Giai đoạn này, những lời nói của con có phần hơi lộn xộn. Nếu có sự hỗ trợ của bố mẹ, con sẽ dần phát triển khả năng nói của mình tốt hơn.
Ngoài ra, tư duy trẻ phát triển, cung cấp cho con khả năng phân loại đồ vật theo màu sắc, hình dạng, phân biệt các con vật thuộc loài nào (ví dụ, con chó thuộc động vật có 4 chân, con chim sẻ thuộc loài chim…)
2.3. Trí tưởng tượng ngày càng phong phú
Giai đoạn từ 1-3 tuổi, con đã biết tưởng tượng ra những lúc mình đang ăn, ngủ, khóc, vui chơi và hình dung những tình huống rồi diễn tả bằng ngôn ngữ của cơ thể mình.
Khi lớn hơn, con thường sử dụng đồ chơi hay những vật dụng xung quanh để diễn tả tưởng tượng của mình. Ví dụ, cho búp bê ăn bằng thìa đồ chơi, cạn ly với búp bê…
Con cũng có thể sử dụng vật thay thế khi nhận ra sự giống nhau nhất định về hình thức bên ngoài. Chẳng hạn như cưỡi ngựa giả, dùng giấy làm tiền, dùng thìa làm kiếm, thấy bóng của mình giống như có người theo dõi đằng sau…
2.4. Xuất hiện khả năng đồng cảm với mọi người
Cảm xúc của trẻ lên 2 được phát triển thông qua các mối quan hệ với bố mẹ, bạn bè xung quanh. Nổi bật nhất là việc con có thể đồng cảm với người khác.
Trẻ cũng bắt đầu có khả năng tưởng tượng người khác đang có cảm xúc gì và tư duy nên làm thế nào trong các tình huống đó.
Khả năng này xuất hiện khi trong quá trình bố mẹ chăm sóc trẻ một cách tích cực, giúp con cảm thấy mình được yêu thương vô điều kiện và gắn bó an toàn với người chăm sóc.
3. Tổng kết
Có thể nói, để có thể kiên nhẫn cùng con phát triển hằng ngày không chỉ xuất phát từ tình yêu thương mà còn ở cả sự thấu hiểu nhu cầu của trẻ ở mỗi giai đoạn khác nhau. Mong rằng các bố mẹ hiểu rõ những tính cách, khả năng của trẻ 2 tuổi để giúp con phát huy tốt nhất những tiềm năng của mình.
Ngoài ra, giai đoạn 5 tuổi cũng có nhiều biến chuyển quan trọng và đổi thay bất ngờ ở trẻ, phụ huynh có thể tìm hiểu thêm qua bài viết những tính cách khả năng của trẻ 5 tuổi.