Chơi mà học, học mà chơi là cách để trẻ có thể phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tình cảm một cách tích cực nhất. Nếu như có thể biết cách lồng ghép một số trò dân gian bổ ích vào những hoạt động ngoài trời, trong lớp học hay ngay trong gia đình thì sẽ vô cùng bổ ích. Nào hãy để BingGo Leaders gợi ý cho bạn ngay sau đây nhé.
1. Trò chơi dân gian Ô ăn quan truyền thống
Đây hẳn là một trò chơi đã rất quen thuộc đối với nhiều thế hệ đúng không nào? Không phủ nhận rằng thú vui giải trí cho trẻ ngày càng đa dạng hơn, thậm chí một số trường học còn trang bị máy tính ở thư viện cho các em.
Tuy vậy, hình ảnh những nền sân có kẻ phấn trắng ô ăn quan vẫn còn đó và trò dân gian này vẫn được nhiều các cô cậu bé hằng ngày rải những viên đá chơi cùng nhau.
Bước chuẩn bị: Cần vẽ hình chữ nhật và chia hai hàng bề dọc và chia năm ô bề ngang ngăn cách nhau sao cho được tất cả mười ô vuông.
Cách thức chơi khá đơn giản nhưng để chơi giỏi thì trẻ cần bình tĩnh, tính toán ít nhiều. Trò Ô ăn quan truyền thống sẽ có hai người chơi, người chơi đầu tiên bốc sỏi (dân) ở bất kỳ ô vuông nào phe mình và rải từng viên vào mỗi ô vuông kế tiếp theo chiều kim đồng hồ cho đến khi hết sỏi.
Nếu ô vuông tiếp theo có sỏi thì người chơi vẫn còn lượt, tiếp tục bốc và rải như ban đầu, đến khi hết sỏi mà tiếp theo là ô quan hoặc hai ô trống thì đổi lượt. Trường hợp chỉ có một ô trống thì người chơi có thể ăn được tất cả số sỏi ở tiếp sau đó.
Trò chơi chỉ dừng lại khi quan và dân (sỏi to và sỏi nhỏ) ở cả hai đầu quan bị ăn hết thì người thắng sẽ là người có tất cả số sỏi của đối phương nhanh nhất.
2. Bà Ba bà Bảy - Trò chơi dân gian nhanh trí lẹ miệng
Bước chuẩn bị: Trò này cũng chia thành hai phe nhưng không giới hạn số người nên không khí cũng sẽ vui nhộn hơn. Nên có người quản trò hay trọng tài để ghi nhận các đáp án. Trước khi bắt đầu sẽ oẳn tù xì để quyết định đội chơi trước.
Cách thức chơi: Có hai đội, một đội tên bà Ba, đội còn lại lấy tên bà Bảy. Cả hai đội lần lượt đối đáp theo công thức: Bà Ba ... bà Bảy, chỗ trống chính là một động từ được bắt đầu bằng chữ cái “b”. Lưu ý rằng câu nào đã đối rồi thì không được lặp lại.
Ví dụ, đội bà Ba oẳn tù xì thắng thì đối trước “bà Ba bắn bà Bảy”, đội bà Bảy đáp “bà Bảy bế bà Ba”. Trò chơi cứ tiếp tục đến khi có một đội quá thời gian quy định mà vẫn không có thành viên nào đối được.
Bà Ba bà Bảy khá phù hợp khi tổ chức chơi trong các buổi sinh hoạt lớp, hoặc đơn giản là trong gia đình, ba mẹ cùng con cái ngồi quây quần cùng chơi cũng sẽ rất vui vẻ. Thông qua đó, các bé cũng được rèn luyện trí nhớ, tập khả năng phản ứng nhanh và trò chuyện năng động, tích cực hơn.
3. Trò chơi vận động trí não lẫn thể chất - Keng trái cây/ Keng con vật/ Keng hoa quả
Trò chơi dân gian này cũng có thể tổ chức cho nhiều người chơi nhưng không còn cần chia đội. Thay vào đó, sẽ có một người bắt và tất cả từng cá nhân còn lại đều sẽ phải tự cố gắng “trụ” lại lâu nhất để giành chiến thắng.
Bước chuẩn bị: Lựa chọn không gian vừa đủ rộng sao cho những người tham gia có thể thoải mái di chuyển. Chọn một người ở trung tâm thực hiện nghĩa vụ bắt (chạm). Những người chơi khác đứng theo hình vòng tròn hoặc đứng tự do trong khu vực chơi.
Cách thức chơi: Bạn được chọn ban đầu đứng ở trung tâm có nhiệm vụ bắt (chạm) những người còn lại, người bị chạm sẽ thua. Những ai không muốn thua thì phải luôn nhớ tên một loại trái cây/ loài động vật,v.v. nào đó để hô lên.
Lưu ý: Người vừa “keng” thì phải đứng yên tại chỗ, không được cử động trừ khi có người cứu. Muốn được cứu phải đợi các người chơi khác (trừ người bắt) chạm vào mình.
Thực ra, đây là một trò dân gian nghe mô tả có vẻ đơn giản nhưng rất có tính giải trí. Trẻ vừa có thể vận động nhẹ trong khu vực trò chơi vừa tư duy trí não gọi được tên sự vật nhanh chóng. Để có thể trở thành người chiến thắng thì còn cần rèn luyện cả sự tập trung xuyên suốt trò chơi nữa đấy.
Nếu muốn trò chơi thêm phần khó và thú vị hơn, người chơi có thể đặt thêm các quy định về sự vật được nêu tên. Ví dụ: Chỉ được phép gọi tên (keng) các loại trái cây bắt đầu bằng chữ “ch” hay các loại động vật biết bơi,...
4. Lời kết
Hy vọng rằng một số trò dân gian mà BingGo gợi ý trên đây là nguồn tham khảo thật hữu ích cho các bậc phụ huynh, các thầy cô. Qua đó, người lớn chúng ta có thêm ý tưởng tổ chức những hoạt động học tập, sinh hoạt thú vị.
Cũng chính nhờ vậy mà các em nhỏ được phát triển về cả trí tuệ, tâm hồn lẫn thể chất trong một môi trường thật lành mạnh và bổ ích.
Bên cạnh đó, việc được làm quen, tham gia những trò chơi dân gian sẽ giúp các em liên hệ kiến thức dễ dàng hơn. Chẳng hạn như khi cần viết một bài văn thuyết minh về trò chơi dân gian kéo co hoặc trò ô ăn quan truyền thống,v.v.