Bất cứ độ tuổi nào cũng có nỗi sợ của riêng mình, kể cả trẻ mẫu giáo. Nỗi sợ của các trẻ rất vô cùng: sợ môi trường lạ, sợ lớp, sợ không có mẹ, sợ cô, sợ cơm ở trường, sợ dùng bô,... những nỗi sợ tưởng vô hại nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Vậy vì sao con sợ đến lớp đến vậy? Mẹ cần làm gì để khắc phục nỗi sợ đó cho con? Cùng tìm câu trả lời cùng BingGo Leaders trong bài viết này nhé!
1. Con sợ đến lớp - lý giải nỗi sợ vô hình của trẻ mầm non
Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ vừa đủ “lớn” để có suy nghĩ riêng, nói và hành động có chủ đích, song vẫn còn quá non nớt để trải qua những trải nghiệm lần đầu tiên trong đời: Đi học.
Trường lớp là một môi trường hoàn toàn khác với gia đình, nếu phải đối mặt với những điều quá lạ với trải nghiệm không tốt tại lớp học, rất có thể trẻ sẽ hình thành nỗi sợ với chúng. Biểu hiện phổ biến nhất đó là trẻ sẽ khóc, đòi bố mẹ. Ngoài ra nặng hơn có thể trẻ mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn, đột nhiên giận dữ, cáu gắt,...
Có rất nhiều thứ khiến con sợ đến lớp, trong đó có 4 nỗi sợ phổ biến nhất sau:
1.1. Sợ bị bỏ rơi
Như đã nói, trường học là một môi trường vô cùng xa lạ với trẻ, đặc biệt với trẻ mới lần đầu nhập học. Do đó sẽ không thể tránh khỏi nhiều trường hợp mẹ mới buông tay mà con đã khóc, không chỉ mấy ngày đầu, thậm chí là vài tuần đầu khi đi học.
Trên thực tế chưa chắc trẻ khóc vì không thích trường mới của mình. Vì đã quen với sự hiện diện của người thân nên khi đến lớp mà không có mẹ, trẻ sẽ sinh ra cảm giác bị bỏ rơi, hụt hẫng và lo sợ.
Lúc này mẹ cần phải thật bình tĩnh và… lờ đi, nhanh chóng rời khỏi khu vực đó. Mẹ có thể ôm trẻ và nói rằng “Mẹ sẽ đón con sau khi ăn trưa nhé” và cần rời đi ngay. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của giáo viên để con sớm hòa nhập với lớp và môi trường mới của mình. Dần dần con sẽ sớm khắc phục được nỗi sợ đến lớp của mình.
1.2. Ghét thời gian phải lặp đi lặp lại
Thời gian lặp đi lặp lại theo góc nhìn nào đó thật sự là một cực hình, nhất là với trẻ em luôn có đầy năng lượng và phải hoạt động liên tục để giải tỏa. Môi trường trường lớp, giáo viên đã lạ, những hoạt động mang tính chu kỳ trên lớp càng khiến trẻ không muốn đến trường hơn, cuối cùng là con sợ đến lớp.
Cách khắc phục trong trường hợp này khá đơn giản: bố mẹ hoặc giáo viên chỉ cần cho trẻ làm quen với không khí và hoạt động trên lớp (cho trẻ ngồi bên lề lớp để con tự quan sát), sẽ rất nhanh con sẽ nắm được và nhanh chóng hòa nhập với không khí lớp học của mình.
Hoặc nếu có thể, bố mẹ hãy cho trẻ nghe những bài hát hay thơ trên lớp trước. Điều này sẽ giúp trẻ tự động nhớ được nội dung của chúng, đồng thời con cũng sẽ thoải mái, cởi mở hơn khi đến lớp.
1.3. Sợ bị lạc
Lần đầu đến một môi trường quá lạ lẫm như trường học cũng sẽ khiến trẻ vô tình bị mất phương hướng, dẫn đến nỗi sợ bị lạc khi không có bố mẹ hay người thân. Bố mẹ và giáo viên có thể giúp trẻ làm quen bằng cách “tham quan” các lớp học và trường lớp trước khi thật sự vào lớp học.
Sân chơi ngoài trời cũng vậy, giáo viên có thể đưa bé tham quan các khu vui chơi tập thể, hoặc sân trường có nhiều bạn bè để trẻ sớm làm quen với không khí vui chơi, từ đó sớm hòa nhập và yêu trường lớp của mình.
1.4. Không có bạn
Một không gian chỉ toàn người lạ sẽ gây áp lực rất lớn cho con, càng khiến con thêm e dè, thu mình và sợ hãi. Bố mẹ có thể khắc phục nỗi sợ này cho bé bằng một vài hành động như:
- Cho trẻ làm quen với những đứa trẻ bằng hoặc gần bằng tuổi xung quanh gia đình - chính là hàng xóm của trẻ. Sau đó tạo điều kiện cho các con được chơi với nhau để tăng thêm tình bạn.
- Nếu có thể có một vài bạn nhỏ có cùng trường lớp với con, hãy nói chuyện với bố mẹ của bạn nhỏ, sau đó sắp xếp cho hai con cùng đến ngày đi học đầu tiên, để các con không quá bỡ ngỡ.
- Đồng thời bố mẹ có thể có những bức hình chụp chung rồi dán lên khu vực trẻ có thể nhìn thấy thường xuyên, như một lời nhắc nhở bé luôn có những người bạn.
2. 3 cách giúp mẹ khắc phục nỗi sợ đến trường cho con
2.1. Đừng kìm hãm cảm xúc của trẻ
Giả sử nếu con sợ không có bạn chơi cùng, bố mẹ sẽ nói gì? Có phải an ủi con “Con đừng lo lắng, mấy hôm tới con sẽ có nhiều bạn chơi cùng hơn”? Hay ngó lơ “điều bình thường” này?
Cách an ủi này trên thực tế không đem lại sự tin tưởng và giúp trẻ bớt lo lắng về nỗi sợ của mình, mà rất có thể con càng có xu hướng thu mình hơn, đồng thời tìm mọi cách cố tỏ ra bình thường nhất khi về nhà để bố mẹ bớt lo lắng và nói câu an ủi có phần vô nghĩa trên.
Do đó trước hết bố mẹ cần cho con biết rằng mình đang thông cảm với những nỗi sợ đến lớp của con lúc này, sau đó gợi ý con những cách để có thể vượt qua nỗi sợ đó. Sự đồng cảm là bước rất quan trọng để trẻ hiểu nỗi sợ không chỉ có mình trẻ nhận ra, từ đó mở lòng chia sẻ hơn cho bố mẹ.
2.2. Khuyến khích con nói chuyện
Bố mẹ rất nên khuyến khích con nói chuyện và chia sẻ không chỉ với độ tuổi mẫu giáo mà là trong mọi lứa tuổi. Bởi nếu trẻ nói ra được, tức trẻ đã và đang có ý thức rõ về vấn đề của mình. Con sẽ có những cảm xúc, suy nghĩ riêng khi phải tìm cách vượt qua nỗi sợ đó, do đó khi có thể nói ra, bố mẹ sẽ rất dễ dàng gợi ý trẻ những cách tốt nhất và phù hợp nhất để trẻ hành động.
Ngoài ra bố mẹ cũng có thể lấy chính mình ra làm gương: “Trước đây mẹ cũng đã từng giống con, cảm thấy sợ khi phải làm quen bạn mới. Song mẹ vẫn cố cười tươi và nói xin chào với bạn đó, cách này thật sự rất hiệu quả đấy!”
2.3. Để con tự chủ động
Lứa tuổi mầm non vẫn chưa thể thật sự làm chủ mọi hành động của mình. Thông thường trẻ sẽ phản ứng lại với những nỗi sợ hay gợi ý của bố mẹ. Lúc này bố mẹ cần để trẻ được giải tỏa năng lượng và tham gia nhiều hoạt động cả thể chất hay trí tuệ, từ đó tìm ra được giải pháp phù hợp nhất để khắc phục nỗi sợ trường lớp của con.
Hoặc với những trẻ ít nói và có xu hướng hướng nội, bố mẹ có thể đưa ra một vài cách giải quyết với vấn đề của trẻ, sau đó cho trẻ tự lựa chọn, hỏi con đâu là cách mà theo con đó là hiệu quả.
Hy vọng với bài viết trên BingGo Leaders đã giúp các phụ huynh hiểu được nguyên nhân con sợ đến lớp từ đâu, cũng như cách khắc phục hiệu quả để con thêm tự tin và yêu lớp của mình. Chúc bố mẹ thành công!
Tìm hiểu thêm bí kíp giúp con chuẩn bị vào lớp 1.