Hằng năm cứ gần đến ngày rằm tháng 7, ta thường thấy dòng người hành hương về các ngôi chùa để tham gia lễ Vu Lan báo hiếu. Vậy Vu Lan báo hiếu là gì mà được nhiều người coi trọng như vậy? BingGo Leaders sẽ đồng hành cùng bạn khám phá nhiều bí mật thú vị về ngày lễ này qua bài viết dưới đây.
1. Vu Lan báo hiếu là gì? Vu Lan báo hiếu 2022 rơi vào ngày nào?
Vu Lan báo hiếu, hay còn gọi là Lễ Vu Lan, là một ngày lễ lớn của Phật Giáo. Đây là dịp đặc biệt để những người con bày tỏ sự biết ơn, báo hiếu đến công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành.
Tại Việt Nam, lễ Vu Lan báo hiếu xuất hiện trong những năm 1072, từ đời nhà vua Lý Nhân Tông khi nhà vua lập đàn cầu siêu cho cha mẹ. Cũng từ đó, Lễ Vu Lan dần dần trở thành mùa báo hiếu của những người con Việt Nam.
“Vu Lan” trong ngôn ngữ Phạn là “ullambhana”, có nghĩa là sự giải thoát, giúp những người đang chịu đựng sự giày vò được cứu rỗi khỏi địa ngục.
2. Một số thông tin thú vị về Lễ Vu Lan báo hiếu
2.1. Vu Lan báo hiếu diễn ra vào ngày nào?
Theo phong tục truyền thống, Vu Lan báo hiếu diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, một số ngôi chùa có thể sẽ tổ chức lễ Vu Lan trước hoặc sau ngày này vài hôm.
Năm 2022 này, Lễ Vu Lan sẽ rơi vào ngày 12 tháng 8 năm 2022 (Thứ sáu).
2.2. Nguồn gốc của lễ vu lan báo hiếu
Sự tích của lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ câu chuyện cứu mẹ đầy cảm động của đề tử Phật Thích Ca - Đại Đức Mục Kiền Liên.
Khi đã tu luyện thành chín quả, Đại Đức Mục Kiền Liên nhớ tới người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình nên sử dụng mắt phép để tìm kiếm mẹ khắp mọi nơi.
Nhưng không ngờ ngài đã chứng một sự thật đau lòng, rằng mẹ đã bị quỷ đày đọa, sống đói khát khổ cực để trả giá cho những tội ác trước đây bà đã gây ra. Xót thương mẹ, ngài đã dùng phép biến cơm dâng tới địa ngục, nhưng trớ trêu thay mọi thức ăn đều biến thành lửa.
Thế rồi, ngài cầu cứu Phật Tổ, Phật nói rằng ngài sẽ không cứu được mẹ dù rất thần thông quảng đại. Phật dạy rằng chỉ có cách nhờ sự hợp lực của chư tăng bốn phương, chuẩn bị lễ vật cúng đường Tam Bảo nhằm tích phước cho mẹ vào rằm tháng 7.
Phật tổ cũng nói thêm, rằng “Chúng sanh ai muốn báo hiếu cha mẹ thì hãy dùng cách này”. Vậy là lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.
2.3. Ý nghĩa lễ vu lan báo hiếu
Ý nghĩa quan trọng nhất của lễ Vu Lan là báo hiếu, kính hiếu công ơn sinh thành, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ (cả những đấng sinh thành còn sống và đã khuất). Sự hiếu thảo của con cháu luôn là một phần trong văn hóa của người Việt Nam.
Đồng thời, ngày lễ này cũng giúp người Việt học được triết lý của nhà Phật “Từ - Bi - Hỷ - Xả” và “Vô ngã, vị tha” qua các hoạt động phóng sanh, cầu phước.
3. Một số nghi thức phổ biến trong lễ Vu Lan báo hiếu
Tìm hiểu về lễ Vu Lan báo hiếu không thể bỏ qua những nghi thức rất đặc biệt chỉ có trong ngày này. Đó là nghi thức “Bông hồng cài áo” và thả đèn hoa đăng.
3.1. Nghi thức “Bông hồng cài áo”
Bông hồng tượng trưng cho tình yêu và sự cao quý. Trong ngày Lễ Vu Lan, việc cài bông hồng lên áo một cách trang trọng có ý nghĩa hết sức lớn lao, rằng đó là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà con cái gửi đến các bậc sinh thành.
Cài bông hồng màu đỏ để nhắc nhở rằng ta thật may mắn khi vẫn còn cha mẹ trên đời. Nếu mất cha còn mẹ, người ta sẽ cài bông hồng màu hồng lên áo. Khi cả cha lẫn mẹ đều qua đời, bạn sẽ được cài bông hồng màu trắng.
Nghi thức “Bông hồng cài áo” nhắc nhở ta phải sống chậm lại, học cách trân quý và yêu thương, đền đáp báo hiếu nếu cha mẹ vẫn còn sống bên cạnh ta.
3.2. Nghi thức thả đèn hoa đăng
Vu Lan cũng là ngày nuôi dưỡng những giá trị chân - thiện - mỹ trong mỗi con người để tích đức, tích phước, phóng sanh khỏi những tội lỗi. Vì vậy, việc thả đèn hoa đăng là nghi lễ cầu siêu cho những người đã khuất theo quan điểm của Phật giáo.
Qua việc thắp lên những ngọn đèn đỏ rực với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi người đều gửi gắm vào đó những ước nguyện, cầu bình an, mong an lành đến những người đã khuất. Ánh sáng ấm áp của ngọn đèn giúp xả bỏ mọi khổ đau, nghiệp chướng và oan ức hận thù. Bạn sẽ cảm nhận được sự thiện lành trong tâm của mình sau khi thực hiện nghi thức này.
4. Những việc nên làm trong ngày Vu Lan báo hiếu
Để ngày Vu Lan báo hiếu trở nên có ý nghĩa hơn, mỗi chúng ta nên thực hành làm những việc dưới đây để thể hiện sự kính hiếu đến các bậc sinh thành.
4.1. Chuẩn bị mâm cơm chay
Mục đích cuối cùng của lễ Vu Lan là báo hiếu mẹ cha. Một mâm cơm chay tươm tất là hoạt động rất ý nghĩa để cả nhà được quây quần bên nhau, gắn kết tình cảm gia đình.
Cả nhà sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm khi thưởng thức những món chay. Cha mẹ ấm lòng vì con cái hiếu nghĩa với mình. Những đứa con cũng học cách trân trọng cha mẹ, cảm thấy may mắn vì bố mẹ vẫn còn sống vui khỏe bên cạnh con cháu.
4.2. Đi chùa cầu bình an cho gia đình
Với những ai có cha mẹ đã khuất hoặc ốm đau bệnh tật, đi chùa cầu an vào ngày Vu Lan báo hiếu rất ý nghĩa. Cầu an để mong mọi điều tốt đẹp đến với bố mẹ của mình về sức khỏe lẫn sự hạnh phúc.
Không khí thanh tịnh của ngôi chùa còn giúp ta xóa bỏ mọi gánh nặng trong cuộc sống, để tâm hồn thư thái cảm nhận sự bình an bên trong. Đây là điều kiện tuyệt vời để ta thật sự trân quý cuộc sống này, trân trọng và biết ơn cha mẹ mình nhiều hơn.
4.3. Dành sự quan tâm cho cha mẹ
Không còn gì ý nghĩa bằng việc quan tâm đến cha mẹ. Chẳng cần những việc to tát, bố mẹ chỉ cần một cuộc gọi hỏi han, những lời yêu thương từ con cháu cũng đã thấy hạnh phúc mãn nguyện.
Một số hoạt động giúp thể hiện sự quan tâm với cha mẹ như tặng quà, cùng bố mẹ đi chùa, gọi điện thoại trò chuyện nếu ở xa… Chỉ cần chúng ta thành tâm chân thật, chắc chắn bố mẹ sẽ cảm nhận được tình cảm đáng quý của các con.
5. Tổng kết
Mỗi năm chỉ có một ngày báo hiếu, trong khi cha mẹ đã hy sinh cho con cái suốt cả cuộc đời. Hy vọng bài viết không chỉ giúp bạn hiểu được Vu Lan báo hiếu là gì, mà thật sự thực hành những nghi thức để báo hiếu đến cha mẹ, cũng như trân trọng, biết ơn cuộc sống này vì đã có cha mẹ luôn bên cạnh chúng ta.
Một tháng sau ngày Vu Lan báo hiếu sẽ là rằm tháng Tám, dịp mà các em thiếu nhi rất thích thú. Bố mẹ hãy tìm hiểu thêm những thông tin thú vị về Tết Trung thu để cùng con và gia đình có một mùa trung thu đáng nhớ nhé.