Trẻ nghiến răng khi ngủ là một hiện tượng vô cùng phổ biến. Mặc dù đây không phải là hành động gây nguy hiểm, tuy nhiên nó lại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhai và sự phát triển về răng của bé.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều đó và giải pháp khắc phục ra sao? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.
1. Hiểu đúng về hiện tượng trẻ nghiến răng khi ngủ
Hãy cùng tìm hiểu thật kỹ về biểu hiện nghiến răng khi ngủ của trẻ.
1.1 Nghiến răng là như thế nào?
Hiện tượng này xảy ra khi hàm trên và hàm dưới của bé siết chặt vào nhau và tạo ra tiếng kêu ken két. Nó thường xảy ra khi ngủ và các bé thường không thể tự nhận thức được liệu mình có đang nghiến răng khi ngủ hay không.
1.2 Biểu hiện trẻ nghiến răng khi ngủ
Để có thể sớm phát hiện và can thiệp kịp thời thói quen này của bé, cha mẹ cần chú ý nếu bé yêu nhà mình có những biểu hiệu sau:
- Xuất hiện tiếng “ken két” khi bé đang ngủ
- Bé thường kêu đau ở vị trí trán và tai
- Răng của bé bị mòn
- Bé đau hàm khi ăn, việc nhai thức ăn trở nên khó khăn hơn
2. Nguyên nhân khiến trẻ nghiến răng khi ngủ
Mặc dù chúng ta vẫn chưa thể lý giải được chính xác nguyên nhân khiến trẻ nghiến răng khi ngủ. Tuy nhiên có một số yếu tố được cho là lý do của hiện tượng trên đó là.
2.1 Do trẻ đang trong quá trình mọc răng
Chúng ta đều hiểu rằng mọc răng gây ra rất nhiều cảm giác khó chịu cho bé như ngứa ngáy và đau nhức. Theo phản xạ tự nhiên, bé thường có hành động nghiến răng như là một cách hiệu quả để có thể giảm bớt cảm giác khó chịu ấy.
2.2 Trẻ đang trong trạng thái tâm lý lo lắng, không khoẻ mạnh
Tâm lý lo lắng và căng thẳng chính là nguyên nhân khiến hệ thần kinh tạo ra cơ chế đối kháng. Biểu hiện bên ngoài chính là nghiến răng và run rẩy. Điều này xảy ra ở tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi đây là giai đoạn tâm lý còn yếu, rất dễ bị thay đổi cảm xúc.
Cha mẹ cần hiểu rằng tâm lý con nhỏ là vô cùng nhạy cảm. Chỉ vì một lý do đơn giản nào đó cũng có thể khiến bé bị lo lắng, buồn rầu và mất cân bằng cảm xúc.
2.3 Do lệch khớp cắn ở trẻ
Bị lệch khớp cắn tức là 2 hàm không cân xứng nhau khi khép lại cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé nghiến răng khi ngủ. Các nhà khoa học chỉ ra rằng thế giới có gần 13% trẻ em mắc đồng thời chứng nghiến răng khi ngủ và lệch khớp cắn.
Điều đó chứng tỏ rằng chúng có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Việc giải thích hiện tượng nghiến răng khi ngủ do lệch khớp cắn là hoàn toàn có cơ sở.
2.4 Trẻ bị dị ứng
Đây có thể là một nguyên nhân gây xuất hiện hiện tượng trên của trẻ. Khi bị dị ứng, cơ thể của trẻ vô cùng khó chịu. Nghiến răng như là một cơ chế chủ động giúp trẻ xoa dịu sự khó chịu ấy trong người.
2.5 Do tác động của các chứng rối loạn
Nghiên cứu cho thấy hành động nghiến răng khi ngủ ở trẻ còn do các hội chứng rối loạn gây ra. Cụ thể đó là các chứng như: rối loạn giấc ngủ, động kinh,...
3. Hậu quả của hiện tượng nghiến răng khi ngủ
Mặc dù đây là hiện tượng bình thường và phổ biến ở trẻ, tuy nhiên nếu quá trình diễn ra trong thời gian dài thì sẽ để lại những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Chúng có thể là những kết quả xấu sau đây.
3.1 Thay đổi trật tự hàm răng
Khi hai hàm răng liên tục va đập và tiếp xúc cọ xát mạnh với nhau, các răng rất dễ bị lung lay và làm chệch chân răng. Điều này dẫn đến răng mọc không cân xứng gây mất thẩm mỹ và khó khăn cho trẻ sau này.
3.2 Gây bào mòn và hỏng men răng
Khiến răng bị bào mòn và mất men răng là điều hoàn toàn dễ hiểu nếu trẻ có thói quen nghiến răng khi ngủ trong thời gian dài. Điều đó không chỉ khiến màu răng của trẻ bị xấu đi mà khoảng cách xa giữa hàm trên và hàm dưới. Trẻ mất đi nụ cười tự nhiên, đẹp đẽ và dễ khiến trẻ bị tự ti vì điều đó.
3.3 Gây đau đầu và tê nhức vùng đầu
Rất nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi đã chia sẻ rằng con họ thường xuyên bị đau đầu khi hiện tượng nghiến răng lúc ngủ đã diễn ra trong thời gian dài.
Giải thích cho điều này là bởi trong tủy răng có chứa rất nhiều các dây thần kinh và mạch máu. Đó là lý do vì sao chúng ta rất dễ cảm nhận được cảm giác ê buốt khi sức khỏe răng miệng có dấu hiệu đi xuống.
Chính hành động trẻ nghiến răng đã gây mòn răng, tác động đến các dây thần kinh cảm giác, phát tín hiệu lên não và gây ra hiện tượng đau nhức ở đầu.
4. Các biện pháp giúp điều trị nghiến răng khi ngủ ở trẻ
Để giúp trẻ loại bỏ thói quen trên, đầu tiên cha mẹ hãy xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này của trẻ. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả mẹ có thể tham khảo.
4.1 Đến gặp nha sĩ
Đây có lẽ là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất với trẻ. Thăm khám nha sĩ - người có chuyên môn và trình độ cao thường xuyên sẽ giúp mẹ mới phát hiện những điểm bất thường về răng của trẻ . Qua đó mẹ sẽ có những biện pháp can thiệp kịp thời, nhanh chóng.
Hãy đưa trẻ đến gặp nha sĩ thường xuyên để kiểm tra và chăm sóc sức khỏe răng miệng .
4.2 Chỉnh nha
Trong trường hợp con bạn nghiến răng khi ngủ do lệch khớp cắn thì niềng răng chính là một giải pháp tối ưu nhất. Điều này không chỉ giúp con điều trị dứt điểm tật nghiến răng khi ngủ mà còn đem lại cho con nụ cười tươi tắn với hàm răng đều đẹp, khoẻ mạnh.
Nếu có ý định niềng răng cho trẻ, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt. Độ tuổi thích hợp được khuyến cáo là trẻ từ 7 - 9 tuổi.
4.3 Tâm sự, giúp trẻ giải toả tâm lý
Nếu tâm lý lo lắng, buồn bã chính là nguyên nhân khiến con bạn có những biểu hiện nghiến răng khi ngủ. Khi đó là lúc mẹ cần dành thời gian bên cạnh con nhiều hơn.
Đừng nghĩ rằng trẻ con luôn vui tươi vô lo vô nghĩ mà thờ ơ với những cảm xúc của trẻ. Các bé vô cùng nhạy cảm, cũng biết buồn phiền, lo âu và giận dữ. Vì vậy cha mẹ cần không ngừng hỏi han, động viên khi trẻ có những dấu hiệu tiêu cực.
Hãy giúp cảm xúc của con vui tươi trở lại, xoá bỏ sự lo lắng, muộn phiền. Mẹ hãy luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc của các con.
5. Lời kết
Như vậy qua những nội dung về chủ đề trẻ nghiến răng khi ngủ được trình bày trong bài viết trên đây. Mong rằng các mẹ đã có cho mình những hiểu biết, kiến thức cần thiết để giúp con điều trị thói quen ấy nếu có. Và đừng quên để lại những câu hỏi, lời nhận xét góp ý của mọi người xuống phía dưới nhé!