Thế hệ Gen Z hiện nay rất quan tâm đến việc trau dồi, bổ sung kiến thức để không ngừng phát triển bản thân mỗi ngày. Một trong những kỹ năng quan trọng để tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích là đọc (đọc sách, đọc tin tức, đọc nghiên cứu, tài liệu học thuật…).
Vậy kỹ năng đọc là gì? Làm thế nào để có thể dành hàng giờ đồng hồ ngồi đọc mà không bị xao nhãng, lại rèn luyện được tư duy logic tốt, hiểu biết sâu? Bí quyết sẽ được bật mí trong bài viết này.
[form]
1. Kỹ năng đọc là gì?
Kỹ năng đọc là sự kết hợp nhiều công cụ, kỹ năng khác nhau để nắm được nội dung, ý nghĩa và những vấn đề, thông điệp được rút ra trong văn bản.
Một người có kỹ năng đọc thành thục có thể làm được những việc như:
- Nắm chắc được những ý chính quan trọng và có giá trị nhất trong văn bản. Đó là nội dung và cốt truyện (với tác phẩm văn học); diễn biến và kết quả (tin tức); vấn đề, biểu hiện, cách lý giải và hướng giải quyết (với những bài báo, sách cung cấp kiến thức…)
- Ghi nhớ được những ý cốt lõi nhất của văn bản.
- Biết cách so sánh, đối chiếu, tư duy phản biện về những vấn đề đặt ra trong văn bản, sách báo.
- Vận dụng những thông tin bổ ích đã đọc được để giải quyết những vấn đề nảy sinh khi cần.
2. Những lợi ích tuyệt vời kỹ năng đọc mang đến cho bạn
Sở hữu được kỹ năng đọc là bạn đã nắm chắc trong tay 50% khả năng thành công trong học tập lẫn sự nghiệp bởi:
Bất cứ ngành nghề nào cũng yêu cầu khả năng cập nhật và trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ. Đọc nhanh, nhớ lâu giúp bạn sở hữu lượng kiến thức và hiểu biết nhiều hơn so với người khác.
Đọc sách tốt cũng rèn luyện cho trí tuệ ngày càng tinh thông, từ đó vận dụng những thông tin tổng hợp được nâng cao hiệu quả trong công việc và cuộc sống.
Quan trọng nhất là, kỹ năng đọc tốt là nền tảng để phát triển khả năng ngôn ngữ và kỹ năng viết tốt hơn. Đọc không những cho ta hiểu biết mà còn giúp ta diễn đạt ý tưởng một cách cuốn hút. Từ đó bạn có thể nói hoặc viết một cách thuyết phục.
3. Phương pháp giúp đọc nhanh, tập trung và ghi nhớ ý lâu với 5 bước đơn giản
Những lợi ích mà kỹ năng đọc mang lại thật hấp dẫn phải không nào? Thực tế là việc rèn luyện kỹ năng đọc khó hơn rất nhiều so với việc ngồi xem giải trí hoặc chơi game.
Thấu hiểu điều đó, BingGo Leaders đã tổng hợp 5 bước đơn giản nhất giúp bạn đạt được những lợi ích tuyệt vời kể trên.
3.1. Lựa chọn tư thế ngồi, không gian và thời gian phù hợp
Có người sẽ bảo rằng chỉ cần đọc và tiếp thu thông tin thì cần gì phải để ý chỗ ngồi hay đọc lúc nào chẳng được? Nhưng bạn biết không, 50% chất lượng của việc đọc quyết định bởi cách bạn chuẩn bị trước khi đọc như thế nào.
Ta có thể nằm để đọc tạp chí, tin tức hay tiểu thuyết lãng mạn với mục đích giải trí, thư giãn. Nhưng với những sách kỹ năng, sách học thuật giúp ta giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống, ta cần ngồi tư thế nghiêm túc để tập trung tiếp thu thông tin.
Tương tự, một không gian yên tĩnh, có nhiều ánh sáng và thiên nhiên sẽ giúp tâm hồn thư thái, có hứng thú hơn khi đọc. Đặc biệt nhất, nếu đọc sách chuyên ngành, hãy chọn khung giờ bạn cảm thấy đầu óc mình tập trung và hiệu quả nhất khi làm việc.
3.2. Chọn lọc, chọn lọc và chọn lọc
Điều quan trọng nhất phải nhắc lại 3 lần! Việc chọn lọc khi đọc sách bao gồm 2 bước quan trọng:
Chọn lọc kỹ lưỡng trước khi đọc
Với những người mới bắt đầu, việc chọn đúng thể loại sách bạn yêu thích, hoặc cuốn sách cần để giải quyết vấn đề bạn đang gặp phải rất quan trọng.
Việc chọn lọc ở giai đoạn này bao gồm đọc tóm tắt thông tin về sách/ bài báo, lên mạng đọc review về sách, thậm chí có thể đọc mục lục để chắc chắn nội dung có đúng với mong muốn của mình hay không.
Ghi nhớ một cách chọn lọc
Một lời khuyên mà nhiều người có kỹ năng đọc sách thành thạo khuyên rằng “Đừng kỳ vọng bạn sẽ đọc, hiểu và nhớ hết tất cả thông tin của một cuốn sách hoặc tài liệu học thuật từng chữ một”.
Ta nên áp dụng kỹ thuật đọc lướt scan để nắm được ý chính, sau đó “skim” để xoáy sâu vào những nội dung quan trọng. Với những nội dung không liên quan đến vấn đề bạn quan tâm, có thể ngừng đọc hoặc bỏ qua để đọc tiếp những phần khác.
3.3. Đánh dấu hoặc ghi chép khi đọc
Nếu những ai hay bị xao nhãng khi đọc thì hoạt động đánh dấu hay ghi chép khi đọc là bí quyết tuyệt vời làm tăng độ tập trung khi đọc.
Việc gạch những ý tưởng hay khi đọc giúp não bộ tiếp nhận thông tin dễ hơn, đồng thời giúp ta dễ nảy ra những ý tưởng khác liên quan đến vấn đề đó. Khi đó, bạn sẽ vô cùng phấn khích và có động lực hơn khi đọc.
Đặc biệt, khi cần tìm lại những ý quan trọng để làm dẫn chứng cho bài văn nghị luận hay đề tài nghiên cứu, ta cũng dễ dàng tìm kiếm mà không mất quá nhiều thời gian.
3.4. Tạo ra một hệ thống lưu trữ thông tin sau khi đọc
3 bước kể trên bổ trợ việc nắm bắt và ghi nhớ những thông tin cốt lõi của văn bản. Nhưng để phát triển kỹ năng đọc lên một tầm cao mới (so sánh đối chiếu, phân tích, phản biện,...) chắc chắn cần một hệ thống để lưu trữ những thông tin.
Bước này phù hợp với việc đọc những cuốn sách kỹ năng, sách chuyên ngành có nhiều kiến thức hay. Bạn có thể chọn lưu trữ trong những cuốn sổ. Gần đây, nhiều người dùng ứng dụng Notion để lưu lại những note quan trọng khi đọc sách vì sự thuận tiện của nó.
Khi đã tạo ra hệ thống lưu trữ hoàn chỉnh, ta cũng dễ dàng sắp xếp, tổng hợp những thông tin quan trọng, bổ trợ cho việc phát biểu trong cuộc họp, hoặc viết một bài luận cho vấn đề mà bạn quan tâm với đầy đủ hệ thống luận điểm, luận cứ.
3.5. Trao đổi, thảo luận về những điều đã đọc được
Ta chỉ có thể hiểu được tầm 50-60% những gì đã đọc được, nhưng nếu trình bày hoặc thảo luận những điều đó với mọi người, khả năng hiểu biết của ta nâng lên 90%. Bởi ta có dịp được nhớ lại, sắp xếp ý tưởng và trình bày nó theo cách dễ hiểu nhất.
Qua đó, sự trao đổi giúp mở rộng và đào sâu vấn đề hơn. Đây là công việc tuyệt vời giúp ta học hỏi lẫn nhau và rèn luyện trí tuệ của mình thêm thông thái.
4. Tổng kết
Vậy là bài viết không chỉ trả lời giúp bạn kỹ năng đọc là gì mà còn cung cấp bí quyết để đạt hiệu quả tối đa khi đọc. BingGo Leaders tin chắc rằng chỉ cần rèn luyện mỗi ngày, kỹ năng đọc của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm cách giao tiếp làm sao cho khéo léo và được lòng mọi người, hãy tìm hiểu thêm về kỹ năng quan sát trong giao tiếp nhé.