Văn miêu tả là một trong những thể loại văn bản được dạy trong chương trình Tiểu học cùng với văn tự sự, biểu cảm,... Có thể nói, kiểu bài làm bài văn miêu tả cây cối được coi là căn bản nhất, bất cứ học sinh nào cũng phải thành thạo.
Bài văn miêu tả cây cối là bước đầu giúp các em hình thành khả năng quan sát, tư duy, liên tưởng sự vật xung quanh và thể hiện nó ra bằng ngôn ngữ, sự cảm nhận và cách trình bày.
Để thông thạo và chinh phục được mọi điểm số của loại văn miêu tả, trong bài viết này BingGo Leaders sẽ hướng dẫn các em học sinh cách làm bài văn miêu tả cây cối chi tiết và hiệu quả nhất, thông qua những kiến thức dưới đây.
1. Tổng quan kiến thức về cách viết văn miêu tả cây cối
Trước tiên các em cần hiểu thế nào là văn miêu tả và bài văn miêu tả cây cối là gì, hãy cùng đi giải đáp các khái niệm để tìm hiểu sâu hơn cách làm bài văn hoàn chỉnh.
1.1. Các khái niệm
Khái niệm văn miêu tả?
Để hiểu về khái niệm văn miêu tả, BingGo Leaders sẽ khái quát như sau:
Văn miêu tả là loại văn được giảng dạy trong chương trình lớp 4, nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung được những đặc điểm, tính chất của sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,... làm cho những cái đó như hiện lên mắt người đọc, người nghe.
Miêu tả cây cối là gì?
Bài văn miêu tả cây cối là bài văn dành cho học sinh Tiểu học, là cách dùng lời văn để miêu tả một loài cây giúp người đọc, người nghe hình dung, liên tưởng được những nét nổi bật như hình dáng, màu sắc, các bộ phận của cây đó.
1.2. Cấu tạo bài văn miêu tả cây cối
Thông thường, bài văn miêu tả cây cối được chia thành 3 phần:
- Phần đầu, hay còn gọi là phần mở bài. Trong bài văn miêu tả cây cối, thân bài có nhiệm vụ chính giới thiệu ngắn gọn loài cây cối theo yêu cầu của đề bài. Từ lớp 4 trở lên, các bé sẽ được dạy có hai cách viết mở bài: mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp.
- Phần hai, hay còn gọi là phần thân bài. Trong bài văn miêu tả cây cối, phần này sẽ đi sâu vào miêu tả các bộ phận của cây như lá, cành, rễ, gốc,... Hoặc nói về các giai đoạn phát triển của cây. Phần thân bài có thể viết thành nhiều đoạn, mỗi đoạn sẽ miêu tả một đặc điểm của cây.
- Phần kết bài là phần kết thúc của bài văn miêu tả cây cối. Phần này các bé có thể nêu lợi ích của cây cối là gì, kết luận vẻ đẹp, ý nghĩa của cây. Hoặc bày tỏ cảm xúc của mình đối với loài cây đó.
2. Ba “tuyệt chiêu” giúp bé viết văn miêu tả cây cối đạt điểm cao
2.1. Trình tự miêu tả
Việc lựa chọn trình tự là nội dung rất quan trọng trong một bài văn miêu tả cây cối, sẽ giúp bé có một lối viết mạch lạc, trôi chảy, không bị rối ý. Mặc dù là phần quan trọng nhưng nhiều em học sinh lại chưa thực sự chú về nội dung này.
Các em thường viết miên man, nghĩ ra cái gì là viết cái đó. Chính vì thế, khiến người đọc khó liên tưởng, không hình dung đối tượng được miêu tả dẫn đến các em dễ bị điểm kém.
BingGo Leaders sẽ gợi ý cho các bạn học sinh về trình tự làm bài văn miêu tả cây cối dễ hiểu nhất qua hai điểm thời gian và không gian:
- Trình tự miêu tả theo thời gian
Có thể làm bài văn miêu tả cây cối theo trình tự thời gian như:
- Miêu tả theo trình tự phát triển của cây như: gieo hạt, hạt nảy mầm, hình thành cây con, cây lớn ra tán rộng, cây ra hoa, ra quả, làm bóng mát,...
- Miêu tả theo trình tự cây được chăm sóc các buổi trong ngày, tháng năm: sáng, trưa, chiều tối, ngày, tháng, năm,...
- Miêu tả cây theo trình tự phát triển của cây theo bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông,...
- Trình tự miêu tả theo không gian
Về miêu tả cây theo không gian có thể miêu tả theo hai hướng nhìn: nhìn gần và nhìn xa.
- Nhìn gần cây giống như cột nhà, lớp vỏ cây sẫm lại, vươn lá cành ra đón nắng mặt trời,...
- Nhìn xa cây lộng lẫy như khoác lên mình một chiếc váy đỏ thật rực rỡ, tráng lệ,...
2.2. Miêu tả theo giác quan (quy tắc bàn tay)
Miêu tả cây cối theo giác quan đã trở thành quy tắc quan trọng, là điểm nhấn giúp các em chinh phục được điểm cao của thầy cô. Thông qua việc sử dụng 5 giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác vào làm bài văn miêu tả cây cối sẽ trở nên chân thực và gần gũi.
Để cụ thể hóa hơn việc vận dụng quy tắc bàn tay vào làm bài văn miêu tả cây cối, các em có thể học hỏi những kiến thức sau đây:
- Thị giác: mắt giúp ta nhìn được vẻ bề ngoài của cây cối có màu sắc gì, hình dạng ra sao, được trồng ở vị trí nào,...
- Thính giác: dựa vào đôi tai ta có thể lắng nghe được tiếng lá rơi xào xạc khi mùa thu về, hay những tán cây va chạm nhau tạo tiếng vi vút mỗi khi có gió lớn,...
- Khứu giác: bộ phận mũi giúp ta ngửi được mùi hương thơm ngào ngạt của hoa, mùi độc lạ của vỏ cây,...
- Vị giác: bằng việc ăn quả mọng ta cảm nhận được mùi vị ngọt ngào, thanh mát của quả,...
- Xúc giác: đưa bàn tay lên sờ vào thân cây xù xì, ấm áp như bàn tay của mẹ,...
2.3. Sử dụng nghệ thuật tu từ (so sánh và nhân hóa)
Trong trường trình Tiếng Việt Tiểu học, các em học sinh đã được làm quen với hai nghệ thuật tu từ: so sánh và nhân hóa. Để bài văn miêu tả cây cối sinh động và gần gũi hơn, các em nên biết cách vận dụng nghệ thuật vào bài, giúp người đọc dễ hình dung, liên tưởng hình ảnh độc đáo.
- Miêu tả cây cối bằng nghệ thuật tu từ so sánh:
Dựa vào kiến thức đã học có thể thấy rằng, cấu trúc của câu so sánh bao gồm 2 vế: vế so sánh và vế được so sánh, sử dụng từ so sánh: như, tựa như, giống như, như là,...
Ví dụ: Khi so sánh cây bàng, ta có thể viết
=> Thân cây bàng to lớn như cái cây cột đình, vỏ cây sần sùi, có màu nâu xám.
- Miêu tả cây cối bằng nghệ thuật nhân hóa
Sử dụng biện pháp nhân hóa trong bài văn miêu tả cây cối làm cho hình ảnh trở nên gần gũi với người đọc. Là cách biểu thị tình cảm, suy tư của con người thông qua những loài cây cối.
Ví dụ: Gán cho cây bàng những cảm xúc của con người buồn bã khi mùa hè đến
=> Mùa hè đến, cây bàng rất buồn vì không còn được chứng kiến lũ trẻ chơi đùa mỗi giờ ra chơi.
3. Lập dàn ý miêu tả cây cối em yêu thích nhất
Một bài văn miêu tả cây cối không yêu cầu học sinh có khả năng lập luận cao, tuy nhiên phải đi theo cấu trúc, trình tự chặt chẽ. Bài văn cần tuân thủ nghiêm ngặt theo cấu trúc chặt chẽ, ngôn từ sắc sảo, thể hiện được điểm đặc biệt của bài viết.
Mỗi loài cây có những vai trò khác nhau đối với đối tượng con người, các em cần chú trọng vào những điểm khác biệt để tả được sự nổi bật đó. Mặc dù khả năng vận dụng ngôn ngữ của mỗi người khác nhau, tuy nhiên cần chú ý đến làm đúng cấu trúc vì có vai trò quyết định đến giá trị của bài văn.
BingGo Leaders sẽ gửi đến các em cách lập dàn ý bài văn miêu tả cây cối chi tiết, các em có thể dựa vào để viết được một bài văn miêu tả cây cối hoàn chỉnh, nổi bật qua dàn ý dưới đây:
3.1. Mở bài
Giới thiệu khái quát cây cần miêu tả
- Đó là loại cây gì? Được trồng ở vị trí nào? Ai là người trồng?
- Sự hiện diện của cây đó có gì tác động, ấn tượng gì đến cuộc sống của bạn?
- Cây được bao nhiêu tuổi, trải qua bao nhiêu thế hệ?
(Phần mở bài cần ngắn gọn, xúc tích, vào thẳng vấn đề cần miêu tả ngay từ dòng đầu tiên giúp thu hút người đọc nhất).
3.2. Thân bài
- Miêu tả tổng quát, chi tiết toàn bộ bề ngoài của cây
- Hình dáng, chiều cao, màu sắc, độ lớn, khả năng tỏa bóng lớn như thế nào (Sử dụng nghệ thuật tu từ so sánh cây với một vài cây bên cạnh).
- Miêu tả từng bộ phận của cây như: gốc, thân, cành, hoa, lá, quả phát triển như thế nào (sử dụng trình tự thời gian, không gian và nghệ thuật tu từ).
- Miêu tả những yếu tố ngoại cảnh tác động đến cây
- Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông ngoại hình của cây có sự thay đổi gì, lá ngả vàng rụng hết vào mùa thu, cành cây khô không một chiếc lá vào mùa đông, lá thay áo mới vào mùa xuân, mùa hè lá phát triển tươi tốt, hoa nở bung khắp cây,...
- Nắng, mưa, gió, bão, mùa đông giá lạnh tác gây ảnh hưởng gì đến cây. Mùa bão về cây cối tạo thành âm thanh rợn người, gãy cành, lá xác xơ,... Mùa nắng cây tươi tốt, tỏa tán lá ra đón ánh nắng sưởi ấm,...
- Tác động của con người đến cây: nhổ cỏ, tưới nước, ai chặt phá, đốn hạ cây,...
- Miêu tả những sinh vật sống trên cây
- Chim chóc líu lo, bay lượn đậu khắp cành cây, xây dựng tổ chim trên cây. Ong bướm xây tổ, hút mật của hoa để nuôi dưỡng ngôi nhà của mình,...
- Sâu bọ, kiến, côn trùng cùng sinh sống, nhiều con trở thành con mồi của các loài chim,...
- Vai trò, ý nghĩa của cây đối với đời sống của con người
- Người ta chẳng nhớ cây mọc từ bao giờ, chỉ biết rằng cây đã trở thành nơi cho hoa, bóng mát cho con người, con người dưới tán cây như được che chở trong vòng tay mẹ,...
- Mặc cho cây cứ lớn lên từng ngày, không ai có ý định chặt cây đó cả, hàng năm vào ngày lễ mỗi gia đình thường đến dưới gốc cây cắm mấy nén hương cầu mong cho một năm làm ăn phát đạt,...
- Các hoạt động và tình cảm của con người đối với cây
- Cây đã trở thành một nghi thức quan trọng trong lòng mỗi người dân, là nơi tỏa hương thơm ngào ngạt khi hoa nở, là nơi vui chơi của trẻ em, nơi nói chuyện phiếm của phụ nữ, là nơi đánh cờ của các ông,...
- Mỗi năm dịp tết đến người dân thường tổ chức hội tại gốc cây, ai cũng niềm nở chào đón năm mới bằng nhiều trò chơi dân gian,...
3.3. Kết bài
- Khẳng định vai trò, ý nghĩa, giá trị của cây trong đời sống của người viết, của người xung quanh. Đồng thời tuyên truyền những hành động bảo vệ, tôn vinh bảo vệ cây cối của mỗi người.
4. Kết luận
Trên đây là nội dung hướng dẫn các em học sinh làm bài văn miêu tả cây cối chi tiết và hiệu quả nhất. BingGo lưu ý rằng văn miêu tả là phần kiến thức quan trọng trong chương trình tập làm văn Tiểu học, là tiền đề giúp các em chinh phục môn Văn trong các cấp học tới.
Để học sâu hơn về văn miêu tả, BingGo gợi ý các em có thể tham khảo bài viết Bài văn tả gia đình lớp 3 - Chi tiết từng phần và bài văn hoàn chỉnh để viết thành thạo nhiều chủ đề của văn miêu tả hơn nhé.