Lộn cầu vồng – trò chơi gắn liền với bao kỉ niệm thuở nhỏ. Với câu hát “lộn cầu vồng/nước trong nước chảy…”, trò chơi đã lưu giữ nhiều niềm vui nho nhỏ của những đứa trẻ thơ. Người lớn có thể học cách dạy các bé chơi trò chơi dân gian lộn cầu vồng qua bài viết dưới đây nhé.
1. Giới thiệu về trò lộn cầu vồng
Trò chơi dân gian lộn cầu vồng từ trước đến nay luôn là trò chơi mang đến nhiều niềm vui. Và trò chơi nổi tiếng với bài đồng dao không thể nào quên “Lộn cầu vồng/ nước trong nước chảy…”. Thậm chí có nhiều trẻ chưa biết cách chơi nhưng vẫn thuộc bài hát của trò chơi vì nó rất dễ thuộc và dễ hiểu.
Dù có nhiều bản khác nhau nhưng từng nhịp điệu và từng câu chữ trong bài đồng dao vẫn rất đơn giản mà bất kỳ bé nào cũng có thể nhớ được. Chính vì vậy, trò chơi lộn cầu vồng luôn được giáo viên tổ chức chơi trong các giờ ngoại khóa, giờ ra chơi tại trường mẫu giáo.
2. Cách chơi trò lộn cầu vồng
2.2. Chuẩn bị
Đặc điểm riêng của trò chơi dân gian lộn cầu vồng là chơi theo cặp nên sẽ không có giới hạn nhất định về số lượng người chơi. Trò này dành cho tất cả mọi lứa tuổi, không phân biệt gái hay trai, người lớn hay trẻ nhỏ. Nhưng để chơi một cách thoải mái nhất, mỗi cặp nên có cùng chiều cao với nhau.
Vì là trò chơi dân gian nên lộn cầu vồng không cần chạy nhảy quá nhiều, chỉ cần hoạt động tại chỗ. Do đó, phụ huynh có thể cho các con chơi ở khoảng sân đủ rộng như sân nhà, sân bóng…
Bên cạnh đó, hát bài đồng dao sẽ là phần không thể thiếu khi tham gia trò chơi. Vì vậy cha mẹ hãy dạy hát bài đồng dao cho các bé trước khi chơi.
2.3. Cách chơi
Khi chơi, mỗi bạn sẽ được lựa chọn bạn đôi với mình, theo quy 2 người thành 1 cặp, đứng xa nhau khoảng 1 - 2m.
Khi chơi, hai bạn nhỏ sẽ đứng đối diện nhau, nắm tay đung đưa sang hai bên trái - phải và hát theo nhịp bài đồng dao:
“Lộn cầu vồng
Nước trong nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười ba
Hai chị em ta
Ra lộn cầu vồng”
Hoặc có thể hát theo bản đồng dao khác như:
“Lộn cầu vồng
Nước sông đang chảy
Thằng bé lên bảy
Con bé lên ba
Đôi ta cùng lộn
Ra lộn cầu vồng”
Tiếp đó, khi hát đến câu cuối của bài thì cùng lúc hai bé sẽ đưa tay lên cao và lộn vòng tròn.
Hai bé sẽ đứng im với tư thế xoay lưng lại phía nhau, sau đó llắc tay và hát lại bài đồng dao. Khi đến hai câu cuối phải lộn ngược lại để quay trở về tư thế ban đầu. Nếu các bé khó xoay hay lộn, quản trò có thể hướng dẫn bạn nhỏ kiễng chân lên để xoay dễ hơn.
Sau khi lộn xong hai vòng, cặp nào hai tay vẫn không rời thì đó là cặp đôi chiến thắng. Hai bé mà không lộn được hoặc rời tay thì sẽ tính là thua và phải nhận hình phạt của người quản trò.
3. Những điều cần lưu ý khi cho bé chơi trò chơi dân gian lộn cầu vồng
Vì trò chơi dân gian lộn cầu vồng có động tác xoay người nên phụ huynh cần chú ý vài điều sau:
- Nên cho các bé vận động nhẹ, xoay các khớp cổ tay, chân, vai trước khi chơi để tránh bị đau.
- Không nên ghép cặp cho những trẻ có chiều cao quá chênh lệch, gây khó khăn trong lúc chơi.
- Các cặp nên đứng cách nhau để lúc chơi không bị vướng vào nhau.
- Nên hướng dẫn các bé không được vung tay hoặc xoay quá nhanh, quá mạnh vì có thể làm cho các bé bị thương.
Ngoài ra, quản trò cũng cần ghi nhớ mục đích của trò chơi để điều khiển trò chơi một cách vui vẻ nhất:
- Trẻ được vui chơi, tăng khả năng gắn kết, sự phối hợp của làm việc theo cặp.
- Rèn luyện cánh tay và phần lưng cho bé.
- Các bạn nhỏ cần nhớ lời bài hát, thực hiện đúng động tác theo nhịp của bài khi xoay vòng tròn.
Sự đòi hỏi phối hợp ăn ý giữa các thành viên này khá giống với một trò chơi cũng thú vị không kém đó chính là rồng rắn lên mây.
4. Kết luận
Lộn cầu vồng là một trò chơi vô cùng bổ ích cho các trẻ nhỏ, giúp các bạn được phát triển một cách toàn diện. Hơn nữa, trò chơi cũng hỗ trợ làm tăng khả năng hoạt động linh hoạt tại các khớp của bé và đồng thời cũng là cách học mới mẻ về sự phối hợp nhóm.
Các bậc phụ huynh nên dành chút thời gian để tìm hiểu thêm về trò chơi dân gian lộn cầu vồng để chỉ dạy trẻ nhà mình chơi nhé.
Bên cạnh đó, ba mẹ có thể cho con khám phá thêm những trò chơi dân gian có trong ngày Tết. Hãy đón đọc ngay nào!