Các em học sinh lớp 5 bắt đầu được làm quen với dạng bài văn tả cảnh như tả cảnh con sông quê, tả con đường đến trường, tả cảnh buổi sáng… Tả cơn mưa cũng nằm trong loạt bài văn tả cảnh này.
Để có được một bài văn mạch lạc, hoàn thiện và giàu cảm xúc nhất, các em cần lập dàn ý bài văn tả cơn mưa trước khi bắt tay vào viết bài. Dưới đây là một số gợi ý mà các em có thể bổ sung vào dàn bài của mình.
1. Dàn bài 1 - Tả cơn mưa rào mùa hạ
1.1. Mở bài
Giới thiệu chung khung cảnh và cảm giác của con người trước cơn mưa:
- Trời nắng gay gắt, không khí ngột ngạt, oi bức.
- Rồi không khí bỗng dịu đi, từ đâu những luồng gió mát thổi tới.
- Sau đó là mây đen ùn ùn kéo đến.
- Tiếng lá cây xào xạc va vào nhau trong cơn gió lớn.
1.2. Thân bài
Lúc sắp mưa:
- Mây đen vần vũ trên bầu trời.
- Từng đợt gió kéo đến thổi tung bụi đất.
- Lá cây bắt đầu rụng xuống trước sức mạnh của gió.
- Người đi đường dường như vội vã hơn.
Lúc mưa:
- Nước mưa bắt đầu tuôn xuống mặt đất, trải đều trên các mái nhà và các tán cây.
- Âm thanh của mưa rơi trên mái tôn lộp bộp.
- Hạt mưa trong veo, to mà nặng, bay nghiêng theo gió.
- Các tán cây đung đưa dưới mưa như đang rùng mình hất đi những giọt nước rơi lên mình.
- Tiếng sấm đì đùng, sét đánh chớp nhoáng trên bầu trời đen kịt.
- Nước bắt đầu dâng lên trên đường, nước chảy xiết ở các rãnh cống.
- Người người tìm chỗ trú mưa.
- Các bán bán hàng vội vã dọn hàng vào nhà.
- Một bức tranh đầy màu sắc của áo mưa, ô dù hiện ra.
- Ô tô, xe buýt lao nhanh trên đường làm nước bắn tung tóe.
- Không khí mát mẻ, người người cảm thấy dễ chịu.
Sau cơn mưa:
- Hạt mưa thưa thớt dần rồi ngừng hẳn.
- Tiếng mưa dần nhỏ hơn rồi dứt.
- Những tán cây đọng nước lung linh, sạch bong như có người vừa lau chùi.
- Mùi hơi nước còn đọng lại trong không khí.
- Dòng xe cộ nhộn nhịp trở lại.
- Hàng quán lại mở cửa bày bán.
- Phía xa xa là cầu vồng rực rỡ dưới nắng.
1.3. Kết bài
- Cơn mưa làm sạch bầu trời, không khí, làm mới mọi vật.
- Ai ai cũng thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
2. Dàn bài 2- Tả cơn mưa xuân
2.1. Mở bài
Giới thiệu thời điểm của mưa xuân:
Mưa xuân là mưa nhỏ, thường xuất hiện vào đầu xuân báo hiệu mùa đông đã hết và một năm mới lại đến.
2.2. Thân bài
- Mưa đầu xuân là mưa bắt đầu một năm mới.
- Hạt mưa nhỏ li ti, bay phảng phất trong không khí.
- Mưa vương trên áo, trên tóc người đi đường.
- Hạt mưa rơi trên những chồi non mới nhú.
- Tác dụng của mưa xuân:
- Xua đi cái rét buốt của mùa đông, trời chỉ còn se lạnh.
- Mưa xuân nhẹ nhàng, giúp cây cối đâm chồi nảy lộc.
- Sau cơn mưa xuân, mọi vật như tràn ngập sức sống.
- Con người cảm thấy vui vẻ, sảng khoái hơn.
2.3. Kết bài
Cảm nhận của bản thân về cơn mưa xuân:
Yêu thích cơn mưa xuân bởi cơn mưa mùa xuân rất dễ thương và mang lại cảm giác nhẹ nhàng.
3. Dàn bài 3 - Tả cơn mưa ngâu
3.1. Mở bài
Giới thiệu qua về cơn mưa ngâu:
Mưa ngâu thường diễn ra vào tháng 7, trời lúc tạnh lúc mưa diễn ra trong vài ngày.
3.2. Thân bài
Nói về ảnh hưởng của mưa ngâu đến mọi vật:
- Mưa rơi lúc to lúc nhỏ.
- Cơn mưa này vừa dứt chưa bao lâu thì cơn mưa khác lại tới, làm cho mặt đất không kịp khô.
- Trời mưa kèm theo gió trong nhiều ngày khiến tiết trời trở nên lạnh hơn.
- Mọi vật xung quanh đều ẩm ướt.
- Những hàng cây nghiêng ngả, đung đưa trước gió như thấm mệt vì dính dính mưa nhiều ngày.
- Từng đàn chim bay với vẻ mệt mỏi, ủ rũ.
- Người đi đường cũng vắng hơn, họ tránh ra đường để tránh cảm giác lầy lội của đường đất.
- Hàng quán cũng có phần ảm đạm, vắng khách.
3.3. Kết bài
Nêu cảm nhận của bản thân về mưa ngâu:
- Mưa nhiều ngày khiến mọi vật bức bối.
- Mong muốn, tin tưởng cơn mưa ngâu sẽ qua nhanh.
- Tuy mang lại cảm giác không mấy dễ chịu, nhưng mưa tháng 7 là một đặc trưng của đất nước mà ai cũng biết.
4. Lời kết
Các em học sinh lưu ý, sau khi đã lập dàn ý bài văn tả cơn mưa thì để chắc chắn nên kiểm tra lại bố cục bài một lần nữa. Trong khi viết nên chú ý đúng ngữ pháp, chính tả, sử dụng các từ ngữ gợi tả phù hợp (ví dụ: từ láy), các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa để bài văn của mình trở nên sinh động hơn và đạt điểm cao.