Bàng là loại cây gần gũi với lứa tuổi học trò, không chỉ mang đến bóng mát mà còn lưu giữ rất nhiều kỉ niệm đẹp, vui tươi. Do đó, dây thường xuyên là chủ đề được chọn đưa vào đề thi cuối kỳ của các em học sinh.
Hiểu được điều đó, ngày hôm nay BingGo Leaders sẽ hướng dẫn các bạn học sinh tập làm văn miêu tả về cây bàng. Bên cạnh đó còn có bài văn mẫu siêu hay, các em nhớ đọc đến cuối bài viết nhé.
1. Hướng dẫn hoàn thiện bài văn tả cây bàng với 3 phần ngắn gọn
Một bài văn miêu tả cần giúp người đọc hình dung được ngay cả khi chưa từng gặp, từng nhìn thấy bên ngoài. Tương tự với bài văn tả cây bàng, bé cần chú ý:
- Đối tượng cây bàng muốn miêu tả: Ở đâu, cây đã lớn nhiều năm tuổi hay cây bàng non…
- Miêu tả chi tiết về từng đặc điểm của cây bàng: Chiều cao, cành cây, thân cây, màu sắc, lá cây, hoa quả…
Dù bài tập làm văn ở bất cứ chủ đề hay dạng đề nào, các em học sinh cần đảm bảo bố cục chính gồm 3 phần. Cụ thể:
1.1. Mở bài
Giới thiệu chung về cây bàng cần miêu tả. Ví dụ:
- Cây bàng có từ khi nào, do ai trồng: Do bác bảo vệ trồng
- Cây được trồng ở vị trí nào: Góc sân trường
- Cây đã lớn (lâu năm) hay cây mới, cây bàng non…
1.2. Thân bài
A) Miêu tả chung về cây bàng
Để bài văn có tính logic, ở đoạn văn đầu tiên của thân bài các em học sinh hãy miêu tả chung (có thể hình dung là việc miêu tả từ xa).
- Nhìn từ xa cây bàng dáng to cao, bao trùm xung quanh.
- Tán cây rộng che chở chúng em.
B) Miêu tả chi tiết về cây bàng
Khi miêu tả chi tiết về cây bàng, em cần đảm bảo các ý sau đây:
- Thân cây bàng: Cao và lớn, vòng cây vừa tay 1 - 2 người ôm mới xuể. Lớp vỏ cây bàng có màu nâu sẫm ngả đen, không nhẵn mịn và xù xì dần theo thời gian.
- Gốc cây lớn, dưới gốc cây có những rễ cây lớn nhỏ lan đều xung quanh rất vững vàng.
- Lá bàng có hình tán tròn, dày, gân lá tỏa đều hai bên. Lá bàng có rất nhiều màu sắc, khi con non thì nhỏ hơn, xanh mơn mởn. Lá lớn dần, cánh dày, có màu xanh lá sẫm. Khi về già hay sang thu đông, lá dần chuyển sang màu đỏ vàng rực rỡ.
- Miêu tả hoa bàng: Hoa kết thành từng chùm, nhìn gần mỗi bông hoa hệt như hình một ngôi sao, nhỏ. Hoa bàng thường có màu trắng tinh khôi, không cảm nhận hương thơm rõ ràng nhưng vô cùng xinh xắn, đáng yêu.
- Trái bàng mọc thành từng chùm, ẩn dưới những tán lá. Quả có hình thoi, màu quả xanh, khi chín chuyển màu vàng. Quả bàng non hơi đắng và chát nhẹ, khi chún hơi chua chua nhẹ.
C) Miêu tả cây bàng qua 4 mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông
Để bài viết thêm phần khác biệt, hấp dẫn. Các em có thể lồng ghép trong bài tập làm văn đoạn văn miêu tả qua từng mùa. Mỗi mùa đều ngắn gọn, đủ ý, đúng đặc trưng. Ví dụ:
- Mùa Xuân: Nhiều chồi non mới, xanh mơn mởn
- Mùa Hạ: Tán lá rộng, xum xuê, màu xanh mát mắt. Mùa ra hoa, kết quả của cây bàng
- Mùa Thu: Cây bắt đầu có sự chuyển mình, lá dần chuyển sang màu xanh sẫm rồi ngả vàng.
- Mùa Đông: Lá chuyển đỏ rồi rụng thưa dần.
D) Lợi ích của cây bàng
Để bài văn miêu tả thêm hấp dẫn, các em học sinh hãy đưa thêm phần lợi ích của cây trồng vào đoạn cuối của thân bài nhé.
Ở đoạn văn này, cần đảm bảo các ý dưới đây:
- Cây bàng có tán lá rộng, giúp góc sân trường luôn rợp bóng mát để các em học sinh
- Thân cây, lá và quả đều có những lợi ích khác nhau. Ví dụ thân cây lấy gỗ, lá cây bàng có thể dùng làm thuốc, để làm sạch bể cá tiểu cảnh…
1.3. Kết bài
- Cây bàng chính là người bạn gần gũi, gắn bó với các bạn học sinh
- Bày tỏ tình cảm, sự yêu mến đối với cây bàng
2. Tuyển chọn bài văn tả cây bàng mẫu hay cho học sinh
Dựa trên dàn ý chi tiết ở trên, các em có thể dễ dàng hoàn thành được bài văn tả cây bàng sinh động, hấp dẫn.
Tham khảo bài văn mẫu dưới đây của bạn Nguyễn Mỹ Ngọc (học sinh lớp 4)
Ở sân trường nơi em học có trồng nhất nhiều cây xanh. Những cây xanh lớn ngày ngày tỏa bóng râm mát để chúng em vui chơi. Đặc biệt em thích nhất là gốc cây bàng già trồng ở cạnh lớp học của em.
Từ xa cây bàng giống như một chiếc ô cực lớn, tỏa bóng cây xanh ngát cả một góc sân. Tán lá xòe rộng, chia thành 3 tầng chỉ len lỏi một vài tia nắng vàng xuyên qua vô cùng đẹp mắt. Ngắm nhìn kỹ từng chiếc lá bàng lớn, có lá còn lớn hơn cả bàn tay người. Lá cây có hình bầu dục, xếp chụm lại từng tán 2, 3 và nhiều lá hơn rất đẹp.
Không biết cây bàng ở cạnh lớp học em được trồng lâu chưa, nhưng phần thân cây to lắm, phải 2 bạn học sinh dang tay ôm mới xuể. Thân cây thẳng, lớp vỏ ngoài hơi ngả nâu đậm và xù xì, sờ tay thấy ráp ráp nhẹ. Em nghe ba mẹ bảo, đây là dấu vết của thời gian đã in hằn lên thân cây. Nhìn xuống dưới, em thấy phần rễ cây già và lớn len lỏi quanh gốc trông hệt những con rắn. Gốc cây rất lớn, rễ to và bám sâu giúp cây đứng vững qua bốn mùa.
Đặc biệt mỗi dịp hè sang chúng em đều rất mong chờ để ngắm nhìn chùm hoa bàng nhỏ. Hoa có màu trắng tinh khôi, bông bé xíu xiu và kết thành chùm nhỏ như quả cầu. Hoa không có mùi thơm ngát nhưng rất đẹp. Cây bàng sau khi ra hoa sẽ cho những chùm trái nhỏ. Trái bàng non có hình thoi, quả non màu xanh mơn mởn. Khi về già sẽ có màu đậm hơn rồi dần dần ngả vàng. Quả bàng khi non có vị chát và đắng, khi chín già sẽ hơi chua chua, chát nhẹ, vị rất ấn tượng.
Em nghe bảo cây bàng có rất nhiều công dụng. Không chỉ mang đến bóng mát mà lá, cây, quả…còn là vị thuốc nam rất tốt.
Vì lớp em ở cạnh cây bàng nên được giao nhiệm vụ chăm sóc. Cây bàng chẳng cầu kỳ, chỉ cần một chút nước mỗi ngày là có thể cao lớn, vươn tán rộng và ra hoa kết quả. Em sẽ luôn yêu quý cũng như chăm sóc cho cây bàng thật cẩn thận.
(Sưu tầm)
Tham khảo thêm tuyển tập 10+ bài văn tả cây bàng mẫu TẠI ĐÂY
3. Mách nhỏ 3 lưu ý giúp bài văn tả cây bàng sinh động, hấp dẫn
Bài văn miêu tả là dạng bài viết giúp người nghe, người đọc dễ dàng hình dung và nắm rõ đặc điểm nổi bật của sự vật, sự việc đó. Ở dạng bài này yêu cầu các em học sinh cần phải huy động vốn từ từng phong phú, biết sử dụng phép nhân hóa so sánh để bài viết có điểm nhấn, thu hút hơn.
Để làm tốt bài văn miêu tả cây bàng, khi làm bài văn các em cần lưu ý:
- Xác định đúng đối tượng cần miêu tả: Đầu tiên hãy đọc kỹ đề bài, xác định đúng đối tượng cần miêu tả để tránh lạc đề. Ở đây, đối tượng chính cần miêu tả là cây bàng. Cụ thể hơn hãy xác định rõ cây bàng định miêu tả là cây bàng nào, vị trí trồng, tuổi thọ cây…
- Tìm những từ vựng, chi tiết nói lên đặc điểm cần miêu tả: Để tìm ý giúp bài văn tả cảnh thêm lý thú, học sinh bắt buộc cần có kỹ năng quan sát. Quan sát ở đây không chỉ dừng lại ở việc dùng mắt nhìn, cần lắng nghe, cảm nhận, nếm vị. Ví dụ nghe tiếng lá cây rì rào trong gió như đang nói chuyện, nếm vị quả bàng chát nhưng thơm phức đặc trưng…
- Xây dựng bố cục bài văn miêu tả logic: Việc sắp lại nội dung bài văn lại theo một trình tự nhất định rất quan trọng. Cần đảm bảo sao cho bố cục hài hòa, trình bày sạch sẽ gọn gàng và có tính thống nhất.
Tham khảo thêm: Tập làm văn lớp 5 tả người - Cẩm nang để đạt điểm 9+
4. Lời kết
Những hướng dẫn chi tiết về cách làm bài văn tả cây bàng ở trên sẽ giúp các em có thêm nhiều gợi ý thú vị. Bên cạnh đó hãy học cách làm văn khoa học, trình bày logic để đạt điểm tốt nhé.
Làm văn không khó, chỉ cần các em có sự tìm hiểu và rèn luyện mỗi ngày. Làm ăn là sáng tạo, hãy thỏa sức đưa ý tưởng của mình để tạo điểm nhấn riêng.