Xã hội thay đổi kéo theo những biến đổi lớn về nghề nghiệp. Hướng nghiệp cho con không phải chỉ đợi khi con lớn lên đủ 18 tuổi mà là việc cần làm ngay bây giờ. Ngoài ra hướng nghiệp như thế nào cho đúng và không áp đặt con là điều phụ huynh hiện đại vô cùng quan tâm.
1. Bố mẹ hướng nghiệp cho chúng ta như thế nào?
Trước đây chúng ta thường hiểu rằng bố mẹ sẽ là người định hướng con nên học và theo nghề gì. Những định hướng của bố mẹ sẽ dựa theo kinh nghiệm nhưng đôi khi mang tính chất tiêu cực và áp đặt con cái.
Các ngành nghề như Công an, ngân hàng, kế toán, giáo viên,... được nhiều phụ huynh lựa chọn bởi bố mẹ cho rằng đây là những công việc ổn định. Tuy vậy trong xã hội ngày nay, rất nhiều ngành nghề mới ra đời và có sự bứt phá hơn hẳn những ngành nghề truyền thống.
Sự ổn định trong xã hội hiện đại đã thay đổi khi công nghệ được áp dụng trong mọi lĩnh vực. Những công việc truyền thống cũng đang dần dịch chuyển, nhiều công việc có thể sẽ mất đi khi càng ngày con người sử dụng máy móc nhiều hơn.
2. Sai lầm khi hướng nghiệp cho con
Đã có rất nhiều sai lầm trong việc hướng nghiệp cho con của các bậc phụ huynh. Sự hướng nghiệp cần thỏa mãn giữa mong muốn của con, sở thích của con và kinh nghiệm của bố mẹ.
2.1. Định hướng nghề nghiệp quá muộn
Đa phần các gia đình Việt Nam còn chưa coi trọng việc hướng nghiệp cho con ngay từ sớm. Chỉ đến khi con chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa Đại học, khi đó bố mẹ mới bắt đầu hướng nghiệp cho con.
Chỉ với những thông tin đơn thuần trên giấy tờ, những kinh nghiệm bố mẹ thấy được chưa đủ để quyết định. Con chưa có trải nghiệm và tìm hiểu thì sao có thể biết được mình phù hợp với ngành nghề đó hay không.
Việc định hướng muộn khiến con không có nhiều thời gian để tìm hiểu và trải nghiệm. Từ đó con sẽ đưa ra những quyết định thiếu chính xác. Không ít các bạn trẻ bỏ học ngay từ những tháng đầu tiên học Đại học bởi con cảm nhận ngành nghề đó không phù hợp.
Ngay cả những công việc mà bố mẹ gợi ý cũng chưa chắc đã phù hợp với con và con mong muốn làm công việc đó khi con chưa thực sự biết mình muốn gì.
2.2. Định hướng ngành nghề theo giới tính
Nhiều phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho con dựa theo giới tính nhiều hơn là việc thấu hiểu con thích làm gì.
Ví dụ điển hình đó là ở các bé gái. Các con luôn được bố mẹ hướng vào các công việc mang tính chất ổn định như kế toán, giáo viên nhưng nếu thực tế con là một đứa trẻ năng động, thích khám phá. Con sẽ không chịu và không thể chấp nhận việc ngồi cả ngày với những con số.
Các ngành nghề luôn cởi mở với tất cả mọi người không phân biệt giới tính. Các bạn gái trở thành phi công không ít, các bạn nam trở thành chuyên gia trang điểm nổi tiếng cũng không hiếm. Vậy thì tại sao chúng ta lại giới hạn nghề nghiệp của con chỉ vì giới tính?
Dù là giới tính nào, con đều có quyền làm những công việc mà con yêu thích, Chỉ khi làm công việc mình đam mê, con mới có đủ bản lĩnh để gây dựng sự thành công.
2.3. Bố mẹ không quan tâm con muốn trở thành ai
Có không ít gia đình định hướng cho con theo công việc truyền thống của gia đình hoặc công việc bố mẹ có thể dễ dàng xin việc cho con. Điều này rất tốt nếu con cũng yêu thích công việc của gia đình.
Tuy nhiên sẽ thật khó và trở thành áp lực nếu định hướng của con không phải ngành nghề mà bố mẹ đang mong muốn. Thay vì hỏi con muốn làm nghề gì, hãy hỏi để biết ‘con muốn trở thành ai trong tương lai'.
Việc con muốn trở thành người như thế nào, có ảnh hưởng ra sao quan trọng hơn việc định hướng con vào nghề nghiệp mà bố mẹ mong muốn. Để trở thành người như con ước mơ, con sẽ biết mình cần làm gì.
2.4. Bố mẹ không hiểu con và không biết con thích gì
Việc định hướng của bố mẹ đơn thuần dựa trên kinh nghiệm và xu hướng mà bố mẹ mong muốn. Rất ít gia đình quan tâm đến việc con thích lĩnh vực nào hay con mong muốn được làm công việc trong ngành nào.
Những công việc bố mẹ định hướng cho con không nằm trong lĩnh vực con yêu thích sẽ trở thành áp lực khi con phải học theo ngành đó để bố mẹ hài lòng. Khi không được học lĩnh vực mà con thích, con sẽ không có nhiều hứng thú cho việc học và dễ chán nản, bỏ cuộc.
Khi được học và làm lĩnh vực con quan tâm, con sẽ có đam mê và không ngại khó khăn khi chinh phục ước mơ của mình.
3. Hướng nghiệp cho con thế nào?
Việc hướng nghiệp nên được thực hiện ngay từ nhỏ. Các bé cần được sớm định hình sở thích và đam mê cá nhân. Để giúp hướng nghiệp cho con một cách hiện đại, phù hợp với mong muốn của con và niềm kỳ vọng của bố mẹ, phụ huynh nên định hướng cho con theo những cách sau:
3.1. Giúp con khám phá bản thân
Để tìm hiểu về tính cách và những tố chất chưa bộc lộ của con, bố mẹ có thể áp dụng một số cách thức giúp khám phá bản thân của con như: sinh trắc vân tay, làm trắc nghiệm MBTI, nghiên cứu thần số học,...
Đây đều là những phương pháp nghiên cứu về tính cách và thiên hướng nghề nghiệp dựa trên cơ sở khoa học cũng như logic học. Các phương pháp này đã được nghiên cứu và đưa vào áp dụng thực tế ở nhiều quốc gia phát triển.
Tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, nhiều gia đình đã bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp giúp thấu hiểu và xác định thiên hướng nghề nghiệp trong tương lai của con.
Tuy nhiên những báo cáo của các nghiên cứu này chưa hoàn toàn phản ánh tất cả mà mới chỉ mang tính chất tham khảo. Phụ huynh cần xem xét thêm yếu tố môi trường sống và tính cách của con mới có thể xác định chính xác nhất.
3.2. Nên đầu tư việc học cho con hơn là làm hộ con
Bố mẹ hãy đầu tư vào việc học cho con ngay từ nhỏ. Ngoài việc học trên trường, hãy cho bé học thêm các môn năng khiếu để con khám phá bản thân và thoả mãn sở thích của mình.
Có thể con sẽ không học tốt tất cả các môn nhưng sẽ có môn học con yêu thích và làm tốt nhất. Bố mẹ hãy đầu tư vào môn học con yêu thích và có khả năng phát triển nhất.
Xem thêm bài có nên cho trẻ học tiếng anh sớm?
Khi bé được trải nghiệm nhiều môn học, nhiều lĩnh vực, con sẽ khai phá được khả năng của bản thân và biết mình yêu thích điều gì nhất.
Sự trải nghiệm là cần thiết để con tìm kiếm đam mê con muốn theo đuổi và đủ sự hiểu biết về lĩnh vực đó.
3.3. Cho con đi thực tập, làm part time
Nghe có vẻ vô lý khi con đang là học sinh mà lại để con đi làm? Thực tế, việc cho con va vấp sớm không phải là để kiếm tiền mà để con có trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp.
Các bạn học sinh thời nay rất năng động. Các con có thể tranh thủ thời gian nghỉ hè để tham gia làm các công việc thực tập sinh hoặc việc làm part time. Con sẽ lựa chọn xin vào các công ty nhỏ và vừa để xin học việc mà con mong muốn.
Các công ty trẻ ngày nay cũng rất khuyến khích các bạn học sinh thực tập tại doanh nghiệp và luôn tạo điều kiện để các con được học hỏi nhiều nhất.
Ngoài những công việc làm part time, các con có thể tham gia đảm nhận các công việc tại các dự án của câu lạc bộ trường hay các cuộc thi tìm hiểu nghề nghiệp.
Việc tiếp xúc với công việc sớm giúp con hiểu được tính chất công việc, những việc mình sẽ làm là gì. Từ đó con tự đánh giá được liệu mình có phù hợp và yêu thích những công việc như vậy hay không.
Khi đã có trải nghiệm thực tế, con sẽ đưa ra quyết định chính xác hơn cho sự nghiệp của mình sau này.
3.4. Tạo động lực cho con
Áp lực là thứ luôn làm cản chân con và khiến con trở nên tự ti. Việc nhiều gia đình so sánh con cái với người khác, đặt tiêu chuẩn "con nhà người ta" lên bàn cân là điều không nên.
Mỗi bạn nhỏ có cá tính và điểm mạnh khác nhau, phụ huynh cần làm thế nào để con phát huy được thế mạnh của bản thân mình.
Hãy để con tự thỏa sức làm những công việc mình muốn và ngành nghề con đam mê miễn rằng những việc con làm là có ích. Áp lực từ phía gia đình là thứ vô hình khiến con trở nên bị gò bó, không thể bứt phá và tự do thể hiện.
Đã có nhiều bạn trẻ làm công việc mình không yêu thích chỉ vì gia đình mong muốn con trở thành người này người kia. Điều đó không khiến con cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi làm những công việc đó. Con sẽ khó để thành công khi không cảm thấy thoải mái và làm việc trong sự ép buộc.
Bố mẹ hãy tạo động lực cho con bằng những lời động viên. Bố mẹ tạo điều kiện cho con được học và trải nghiệm những hoạt động liên quan đến ngành nghề con yêu thích.
3.5. Dạy con sự chủ động và luôn phát triển bản thân
Dù con làm nghề gì đi nữa thì cũng đều cần có sự học hỏi và trau dồi không ngừng để nâng cao giá trị bản thân. Sự chủ động và tư duy cầu tiến luôn muốn phát triển là điều cần thiết để con thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Bố mẹ hãy cho con tự tìm hiểu về ngành nghề mà con thích. Con sẽ nói cho bố mẹ biết về những tố chất, điều kiện cần để làm nghề đó là gì và tự so sánh xem mình có phù hợp hay không.
Bố mẹ chỉ nên đưa ra lời khuyên là con nên làm gì để hoàn thiện bản thân, con nên bắt đầu từ đâu là tốt nhất. Mọi việc còn lại hãy để con trải nghiệm và tự đúc kết.
LỜI KẾT
Hướng nghiệp cho con cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Các bé có thành công trong tương lai hay không và tốn ít thời gian để hiểu mình nhất là nhờ vào sự định hướng sớm. Không có bạn nhỏ nào không biết mình muốn gì, chẳng qua chúng ta chưa tạo điều kiện vừa đủ để con khám phá và tự phát huy những khả năng của mình.