Mong muốn con được phát triển toàn diện cả thể chất và tư duy thúc đẩy phụ huynh tìm hiểu các phương pháp nuôi dạy con kiểu mới. Các phương pháp và nguyên tắc đôi khi chỉ phù hợp với một số ít các bạn nhỏ. Dựa vào tính cách của các bé, bố mẹ hãy đưa ra phương pháp dạy con phù hợp.
Dưới đây là những điều tuyệt đối bố mẹ nên làm nếu muốn con phát triển toàn diện.
1. Các giai đoạn phát triển của một đứa trẻ
Trước khi đi sâu vào cụ thể những việc không nên làm để bé phát triển toàn diện, chúng ta sẽ tìm hiểu về các giai đoạn phát triển của trẻ.
Từ sự hiểu biết về từng độ tuổi, từng giai đoạn khác nhau phụ huynh có thể đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp đối với bé nhà mình.
1.1. Giai đoạn trẻ sơ sinh
Các bé trong giai đoạn sơ sinh non nớt và đang tập làm quen với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Các bé có sự phát triển thiên về các cơ quan cảm nhận như thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác và vị giác.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh liên quan đến phát triển về thể chất. Não bộ của các bé lúc này đã bắt đầu hình thành phản xạ khi bé cảm nhận được hơi mẹ, tiếng nói của bố mẹ.
Để các giác quan phát triển toàn diện, bố mẹ hãy:
Thính giác: Cho bé tập làm quen với nhiều loại âm thanh khác nhau như tiếng bố mẹ, âm nhạc, những tiếng động của các đồ vật.
Thị giác: Hãy sắm cho bé những món đồ chơi nhiều màu sắc. Các màu sắc cơ bản mà trẻ sơ sinh có thể nhận biết được đó là đỏ, xanh lá cây và xanh dương. Treo những món đồ chơi ở khoảng cách phù hợp để bé dễ quan sát nhất.
Khứu giác: Trẻ sơ sinh cảm nhận được rõ nhất mùi hương của mẹ. Cùng với đó, khứu giác của bé cũng rất nhạy cảm với thời tiết, khói bụi. Vì vậy phụ huynh hãy đề phòng các tác nhân môi trường ảnh hưởng đến bé.
Các đồ vật trong phòng bé và quần áo cần được loạt bỏ bụi và không nên sử dụng loại nước xả vải mùi nồng nặc.
Xúc giác: Bé bắt đầu khám phá thế giới bên ngoài qua đôi bàn tay bé nhỏ. Hành động mút tay là cách để bé cảm nhận bằng xúc giác. Bố mẹ hãy vệ sinh tay chân và các món đồ chơi sạch sẽ cho bé.
Vị giác: Trẻ sơ sinh từ khi ra đời cảm nhận được vị duy nhất đó là sữa mẹ. 03 tháng đầu đời, bé cảm nhận được rõ vị ngọt và đắng. Đến 05 tháng tuổi bé nhận biết được vị mặn và đến khi ăn dặm bé cảm nhận được hầu hết các vị.
Bố mẹ hãy thay đổi và làm đa dạng các món ăn để bé làm quen và cảm nhận đầy đủ vị giác.
1.2. Giai đoạn mẫu giáo
Độ tuổi mẫu giáo là thời điểm các bé phát triển mạnh về thể chất và trí thông minh. Các bé không chỉ bó hẹp trong không gian gia đình mà được tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau.
Về thể chất: Các bé lúc này có sự tăng lên về chiều cao, xương chắc hơn và cân nặng cũng tăng lên. Cơ thể các bé trở nên cứng cáp và ưa thích vận động. Đó là lý do vì sao các bé thường hiếu động và ưa vận động thường xuyên.
Về tinh thần: Các bé có sự phát triển mạnh về khả năng cảm nhận ngôn ngữ. Đây là thời điểm vàng để bé học ngôn ngữ cũng như phát triển khả năng sáng tạo, trí thông minh.
Tuy nhiên trẻ trong giai đoạn mẫu giáo rất dễ gặp phải một số vấn đề như tăng động, lười và biếng ăn, béo phì,...
Bố mẹ hãy có sự quan tâm và để ý con hàng ngày, phòng tránh những thói quen xấu sẽ ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của các bé sau này.
1.3. Giai đoạn tiểu học
Bước vào thời kỳ đi học tiểu học, bé đã có sự phát triển toàn diện về nhận thức. Các bé bắt đầu đến với môi trường học tập nghiêm túc và kỷ luật.
Độ tuổi tiểu học cũng là khoảng thời gian bé phát huy về khả năng, sở thích, năng khiếu trong các môn nghệ thuật lẫn công nghệ.
Cả thể chất lẫn tư duy của bé cần được quan tâm phát triển trong thời gian này. Mỗi năm bé có thể cao thêm ít nhất 3cm. Những kỹ năng và tư duy cần thiết cho sự phát triển sau này của bé nếu có sự đầu tư sớm sẽ rất tốt: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề,...
Sự tự giác và kỷ luật là điều kiện giúp bé tiểu học hình thành thái độ học tập và ý thức.
Xem thêm: Chuẩn bị gì khi con vào lớp 1
1.4. Giai đoạn trung học cơ sở
Bước sang giai đoạn cấp 2, con sẽ có sự phát triển mạnh mẽ nhất về thể chất lẫn tâm lý, đặc biệt là ở các bé gái.
Nhìn chung các bé sẽ có sự tăng lên vượt bậc về chiều cao và giọng nói. Các bài tập thể chất rèn luyện chiều cao nên được phụ huynh cho bé tham gia như bóng rổ, bơi lội, tập xà,...
Ngoài các môn thể thao, chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Bố mẹ nên sắp xếp nhiều bữa ăn phụ cho con để đảm bảo đầy đủ năng lượng tham gia các hoạt động thể chất và học tập.
Về tinh thần, các bé bắt đầu có những sự thay đổi về tâm lý. Các con cảm nhận được mình đang lớn hơn, cũng dễ trở nên hiếu động và không nghe lời khi thiếu đi sự quan tâm của gia đình.
Độ tuổi các con học cấp 2 cũng rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, con người và đức tính sau này của bé.
1.5. Giai đoạn trung học phổ thông
Con bước vào độ tuổi cấp 3 là lúc con có sự thay đổi toàn diện về tâm sinh lý và thể chất. Các con lúc này đã có nhận thức rõ ràng về bản thân và có chính kiến riêng.
Những cảm xúc của độ tuổi mới lớn cũng sẽ xuất hiện và khi đó phụ huynh nên là người bầu bạn cùng con chứ không phải cấm đoán hay tạo áp lực cho con.
Các con ở độ tuổi thiếu niên đang bắt đầu khám phá về thế giới nghề nghiệp để có sự định hướng cho mình ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3.
Bố mẹ hãy lắng nghe suy nghĩ của con, cho con tự trải nghiệm và đưa ra định hướng dựa trên kinh nghiệm của bố mẹ. Các con sinh ra trong thế giới hiện đại sẽ có sự nhanh nhạy hơn với thời cuộc.
Bố mẹ hãy nên là người định hướng chứ không nên ép buộc con phải theo một ngành nghề nào đó mà con không thích và không đam mê.
2. Những điều bố mẹ cần làm để con phát triển toàn diện
Sự phát triển toàn diện đối với mỗi bạn nhỏ bao gồm: thể chất, trí tuệ, tâm lý. Nếu con phát triển không đồng đều cũng sẽ khiến con vất vả và thiệt thòi hơn so với các bạn.
Để con phát triển toàn diện nhất, bố mẹ hãy lưu tâm tới những việc sau đây:
2.1. Hiểu về các giai đoạn trong chu trình phát triển của con
Để con phát triển toàn diện thì bố mẹ cũng cần hiểu những giai đoạn phát triển từ khi ra đời đến tuổi trưởng thành của các con.
Các bé sinh ra không phải tự nhiên có thể theo mong muốn của bố mẹ mà đều cần quá trình rèn dũa và dạy dỗ từ nhỏ. Tính cách của trẻ hình thành nên phần nhiều cũng là do sự tác động của môi trường sống xung quanh bé.
Nghiên cứu và hiểu về các thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của con, phụ huynh sẽ phán đoán được nguyên nhân của những hành động, những suy nghĩ của con trong từng trường hợp.
Hiểu về các giai đoạn phát triển của con còn giúp phụ huynh hiểu con hơn và thoải mái trong việc cùng con khôn lớn.
2.2. Hiểu con nhiều hơn
Để đồng hành cùng con trưởng thành, bố mẹ là người hiểu con nhất. Mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách và đặc điểm khác nhau. Mặc dù con còn hay mắc lỗi, bố mẹ hãy rèn con từ nhỏ, dạy con những kỹ năng tốt cho bé.
Hiểu con giúp hành trình lớn khôn của con đi đúng hướng hơn. Con thoải mái bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình với bố mẹ. Trước đây, với cách giáo dục truyền thống, con cái dường như luôn có khoảng cách với bố mẹ.
Những suy nghĩ của con luôn giấu kín và không muốn thể hiện ra bên ngoài. Càng lớn lên con sẽ trở nên lì lợm, nhút nhát và thiếu định hướng. Để hiểu con, bố mẹ hãy dành thời gian để trò chuyện với con nhiều hơn và không nên phó mặc việc chăm sóc con cái cho người khác.
Chính những sự quan tâm của bố mẹ mới là điều con cần.
2.3. Dạy con gắn kết với thiên nhiên
Cuộc sống hàng ngày của bố mẹ xoay quanh công việc với mong muốn đem lại cho các con cuộc sống tốt nhất nhưng đôi khi lại đẩy các con ra xa hơn.
Vì thiếu sân chơi và bố mẹ ngày càng bận rộn hơn, các con ngày nay thường chỉ làm bạn với máy tính, điện thoại và các món đồ công nghệ.
Sử dụng các thiết bị này lâu dần sẽ gây tác hại đến cho con cả về thể chất và tinh thần. Mắt các bé tiếp xúc lâu với điện thoại làm ảnh hưởng tới thị lực và tầm nhìn. Các con ít được tiếp xúc với thiên nhiên cũng sẽ bị hạn chế về khả năng giao tiếp.
Tỉ lệ trẻ chậm nói ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao do ít được giao tiếp và tiếp xúc với bên ngoài. Cho con gắn kết với thiên nhiên là cách giúp bé học hỏi và cơ hội để 5 giác quan được vận dụng tối đa.
Con hình thành tinh thần yêu thiên nhiên, có thái độ sống tích cực và lạc quan hơn.
2.4. Không nên cấm đoán con vận động
Đặc thù của trẻ em là sự vận động. Chỉ khi có vận động con mới phát triển toàn diện. Đừng vì sợ con bẩn mà không cho con chơi những trò chơi mà con có hứng thú.
Bố mẹ nên dạy con thế nào là nguy hiểm, thế nào là không được phép làm để bé vẫn có thể thoải mái vui đùa mà bố mẹ bớt đi sự lo lắng.
Trẻ bị cấm đoán sẽ cảm thấy khó chịu, lâu dần con sẽ mất đi sự chủ động và khả năng giao tiếp. Vui chơi và vận động giúp con gắn kết hơn với bạn bè, rèn luyện tính kỷ luật và tình yêu thương với mọi người.
2.5. Khích lệ đúng lúc và bảo ban đúng thời điểm
Đừng vì thấy con sai mà mắng mỏ bé bởi kinh nghiệm sống của con chưa biết được thế nào là đúng, thế nào là sai. Trẻ hành động theo bản năng của con.
Nếu con làm điều gì sai, hãy căn dặn và cho con hiểu như vậy là không đúng và có biện pháp nhắc nhở nhẹ để con sợ và tránh tái phạm.
Khi con làm được một việc gì đó đúng, ngay cả những điều nhỏ nhất cũng nên khích lệ bé bằng những lời khen và những tràng pháo tay.
Lời xin lỗi và cảm ơn là những câu nói căn bản các bé cần biết trước khi học những điều to lớn hơn.
>> Ba mẹ hãy tham khảo cách dạy trẻ xin lỗi hiệu quả.
LỜI KẾT
Định hướng và tạo điều kiện cho con trên con đường phát triển toàn diện là điều mọi gia đình có thể làm được. Hãy dành thời gian nhiều hơn quan tâm đến mỗi bé để con cảm nhận được tình yêu và những điều tốt đẹp bố mẹ dành cho con mỗi ngày.