Các hành vi sai trái của trẻ nhỏ như đánh nhau, quậy phá, nói dối, ngắt lời người lớn, ích kỷ… luôn khiến cha mẹ phiền lòng. Nếu để các hành động sai lầm này diễn ra thường xuyên lâu dần sẽ rất khó sửa chữa và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Chính vì vậy, ngay từ bé các bậc phụ huynh cần thường xuyên trò chuyện, theo dõi và uốn nắn kịp thời cho bé.
1. Những nguyên nhân lớn dẫn tới hành vi sai trái của trẻ nhỏ
Chắc hẳn, các bạn đã từng nghe câu “nhìn cây sửa đất - nhìn con sửa mình”. Trong quá trình đồng hành phát triển cùng trẻ, cha mẹ sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt từng ngày của các con, trong đó có cả thay đổi tốt và xấu.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến hành vi sai trái của trẻ nhỏ mà bố mẹ nên biết sớm.
- Đầu tiên là một nguyên nhân mà có thể nhiều bố mẹ đang mắc phải, đó là quá bận rộn với công việc. Khi người lớn vô tâm, chỉ mải mê với tiền bạc, mối quan hệ khác bên ngoài xã hội, lâu dần sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ bị rạn nứt, không thể hàn gắn được. Trẻ sẽ trở nên hiếu động, bất cần và hành xử theo cách nghĩ của mình để thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh mà thôi.
- Bé tăng động, giảm chú ý cũng là một nguyên nhân dẫn tới các hành vi sai trái của trẻ nhỏ. Nếu như không được bố mẹ kịp thời phát hiện sớm và dùng các biện pháp can thiệp thì khiến cho trẻ mất phương hướng, chỉ thích đập phá đồ đạc, học hành sa sút.
- Tiếp theo cũng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng mà phụ huynh nên biết. Chính là do cha mẹ đặt yêu cầu quá lớn lên con cái của mình. Đưa ra nhiều áp lực về cả thành tích học tập, lẫn vui chơi và phát triển, hoặc luôn thúc ép bé làm theo. Khi bé không đạt kết quả mong muốn sẽ quát, nạt, thậm chí chì chiết, mắng nhiếc con. Do đó tâm lý trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, trở nên trầm tính, ít nói hơn.
- Cho bé tiếp xúc quá nhiều với tivi, điện thoại hay sử dụng mạng xã hội quá sớm mà không có sự giám sát của phụ huynh. Đây cũng là một tiền đề gây nên phát sinh các hành động sai trái khó sửa ở trẻ.
- Ngoài ra khả năng học tập, ghi nhớ và bắt chước của trẻ cũng rất vượt trội. Việc người lớn thường xuyên nói dối, thực hiện các hành vi xấu trước mặt con em mình cũng sẽ làm cho các con bắt chước và hành động theo.
Có thể nói có rất nhiều nguyên nhân vô hình và hữu hình tác động làm “nảy mầm” và bộc phát các hành vi sai trái của trẻ nhỏ. Mà chỉ có giám sát, đồng hành, bên cạnh các con thường xuyên cha mẹ mới có dễ dàng nhận thấy được, từ đó có cách điều chỉnh và uốn nắn con chính xác hơn.
2. Các hành vi sai trái ở trẻ nhỏ không thể bỏ qua
Độ tuổi mầm non là giai đoạn vô cùng nhạy cảm, có tác động rất lớn đến sự hình thành tính cách, thể chất và trí tuệ của con. Nếu bố mẹ bắt gặp bất kỳ hành vi sai trái ở trẻ nhỏ nào dưới đây đều không nên bỏ qua.
2.1. Thường xuyên ngắt lời người lớn
Bố mẹ hoặc người lớn đang nói chuyện mà bé “hồn nhiên” nhảy vào ngắt lời thì rất có thể đây là cảnh báo cho một dấu hiệu hành vi xấu, cha mẹ cần lưu ý ngay điều này và kịp thời chỉnh sửa cho con.
Thông thường hành vi này xuất hiện là do trẻ muốn tập trung thu hút sự chú ý của người khác vào mình. Tuy nhiên để lâu sẽ khiến mọi người xung quanh có ác cảm và khó chịu.
Do vậy với các bé, đặc biệt là các bé từ 3-4 tuổi có hành vi như vậy bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm và nhắc nhở các con thường xuyên hơn chứ không thể nói một hoặc hai lần mà con nhớ ngay được.
2.2. Gây gổ đánh nhau với người khác
Ngay từ khi còn rất nhỏ (khoảng 1-2 tuổi) mà bé bắt đầu cào và cắn người khác thì bố mẹ nên chấn chỉnh ngay không cho bé thực hiện những hành động tương tự như vậy. Vì nếu để lâu dần trẻ nhỏ sẽ trở nên hung hăng, thích dùng vũ lực để dài quyết mọi vấn đề hơn. Đồng thời cần tìm hiểu lý do tại sao con mình lại muốn gây gổ với mọi người như thế để có biện pháp xử lý và điều chỉnh cho con.
2.3. Hành vi hỗn láo với mọi người
Một hành vi sai trái khác ở con như trợn mắt, lườm bạn, thái độ hỗn láo là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng người khác. Một số phụ huynh thường phớt lở và bỏ qua hành động này của con em mình. Tuy nhiên, nếu để lâu sẽ tạo thành nhiều hậu quả khó lường. Trẻ sẽ vô ơn, không thể hòa đồng với bạn bè, người thân và kết nối với người đối diện được.
2.4. Trẻ dọa bỏ nhà đi
Đây là hành vi cho thấy trẻ đang bị căng thẳng quá nhiều và chúng không còn muốn đối diện với cha mẹ. Nhiều cha mẹ khi bị “đe dọa” như vậy thường xem nhẹ vấn đề vì nghĩ trẻ con không biết gì hết và cũng không đi đâu được.
Nhưng với nhiều trẻ có bé cá tính thì rất có thể đó không phải lời nói đùa đơn thuần của con. Có thể bé thật sự đã bị tổn thương và có suy nghĩ bỏ đi như một sự trốn tránh bố mẹ, gia đình.
Trong trường hợp này, bố mẹ nhất định phải tìm ra câu trả lời tại sao con muốn bỏ nhà đi, nguyên nhân do bố mẹ hay do tác động nào khác,... để từ đó có điều chỉnh khôn khéo hơn.
2.5. Không quan tâm, không nghe lời cha mẹ
Nếu con không chú ý đến những gì cha mẹ chúng đang nói, cố tình phớt lờ hoặc trốn tránh thì đó cũng được xem là hành vi sai lầm và cần được thay đổi. Một khi đã có thói quen phớt lờ con sẽ tự ý làm mọi thứ mà chúng mong muốn phớt lờ và cố tình bỏ qua lời nói của cha mẹ hay mọi người xung quanh. Lâu dài sẽ để lại rất nhiều hậu quả khó lường, bố mẹ cũng sẽ rất khó điều chỉnh cho con.
Bố mẹ tham khảo bài viết cách dạy con bướng bỉnh.
3. Gợi ý cách xử lý hành vi sai trái ở trẻ nhỏ
Như đã chia sẻ ở trên việc để các hành vi sai trái ở trẻ nhỏ diễn ra thường xuyên về lâu dài sẽ trở thành một thói quen xấu rất khó sửa, gây hại với chính bản thân trẻ và người khác.
Bên cạnh đó, khi lớn hơn một chút trẻ sẽ rất dễ bị lợi dụng, dụ dỗ và lôi kéo làm những việc vi phạm pháp luật. Nên bố mẹ cần sớm tìm cách khắc phục, xử lý, khuyên nhủ và răn đe những sai lầm của bé từ khi còn nhỏ qua các biện pháp khác nhau.
3.1. Dành nhiều thời gian trò chuyện với con
Đây là việc làm đơn giản nhất mà mọi phụ huynh đều có thể thực hiện được và nó vô cùng cần thiết trong việc uốn nắn điều chỉnh hành vi của con. Việc trò chuyện với con mỗi ngày sẽ giúp con cái trở nên nghe lời, ngoan ngoãn hơn rất nhiều.
Trẻ có thể cảm nhận được đầy đủ sự yêu thương của bố mẹ và gia đình dành cho mình. Bố mẹ cũng dễ dàng sát sao và hiểu những suy nghĩ và hành động của con hơn.
3.2. Tuyệt đối không nói dối trước mặt con
Khả năng ghi nhớ và bắt chước của con trẻ vô cùng đáng gờm, bất cứ hành động hay lời nói nào của người lớn "lọt" vào mắt vào tai con hoàn toàn có thể được copy paste một cách hoàn hảo. Để bé có những hành động việc làm đúng đắn ngay từ nhỏ, bắt buộc phụ huynh cần phải làm gương trước.
3.3. Tích cực khen ngợi
Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng đều rất thích được khen. Mỗi khi con hoàn thành mục tiêu, làm việc tốt cha mẹ đều rất cần cổ vũ, kịp thời động viên và khen ngợi con cái. Việc này vừa giúp con trở nên tự tin hơn, biết nghe lời hơn, vừa là lời động viên rất đáng quý để trẻ tự điều chỉnh, phát huy việc tốt của mình.
3.4. Tạo các hoạt động vui chơi phù hợp
Đối với những bạn nhỏ đang bị giảm chú ý, hiếu động, thiếu tập trung thì cha mẹ càng cần dành nhiều thời gian hơn cho con. Hoặc tạo thêm nhiều hoạt động vui chơi phù hợp như: khuyến khích con tham gia những trò chơi vẽ tranh, tô màu, xâu chuỗi vòng, gắp hạt,... đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và khả năng tập trung cao độ của trẻ.
3.5. Sử dụng mạng xã hội, khóa học online đúng cách
Không thể phủ nhận mạng xã hội internet cũng là công cụ giúp đỡ các bé học hỏi được nhiều điều mới lạ. VD như bố mẹ có thể cho con học tiếng anh online, học làm thơ, làm toán… Các khóa học này rất bổ ích, kích thích trí tuệ sáng tạo và tư duy của con, từ đó giúp con hiểu bài nhanh chóng.
3.6. Dạy bé nói lời cảm ơn và xin lỗi
Đây cũng là phương pháp được rất nhiều cha mẹ ủng hộ. Ngay từ nhỏ, trẻ cần học cách nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ và nhận quà của mọi người. Và phải tự giác xin lỗi, nhận sai khi phạm phải sai lầm. Có như vậy trẻ mới không thể đổ lỗi cho người khác, học được bài học biết ơn và tránh được những hành vi cư xử sai lệch.
Qua bài viết trên về các dấu hiệu cảnh báo hành vi sai trái của trẻ nhỏ, hy vọng rằng cha mẹ sẽ có được những gợi ý nuôi dạy con đúng cách, dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái hơn nữa để trẻ trở nên ngoan ngoãn, tiến bộ từng ngày và không phạm phải sai lầm đáng tiếc.